Friday, 24 November 2017

Cà phê mất ngủ

Tròn 1 tháng 10 ngày từ hôm xách va li rời Hà Nội. Tính ra tôi cũng tệ, cứ im im bỏ đi chẳng chia tay chia chân gì bộ môn lẫn bạn bè. Hiện tại, cơ bản tôi đã thích nghi với nhịp sống mới. Chỗ ở cũng ok, hàng ngày ngoài lên trường và làm bài ra thì chỉ còn nấu ăn hoặc giặt giũ quần áo. Thời gian cứ thế trôi vèo vèo mãi đến hôm nay mới rảnh rang chút, tranh thủ ngồi tổng kết lại một số thứ đã làm và chưa làm được.

Định hướng đi học rõ ràng và nghiêm túc hơn. Việc đi học tiếp giờ không chỉ liên quan đến bản thân nữa mà còn liên quan đến cả Ngân. Hai đứa sẽ đi cùng nhau, chưa biết là đi đâu nhưng nhất định là phải đi cùng nhau. Tôi cũng chưa có ý tưởng gì cụ thể để phát triển lên nhưng tôi nghĩ đó sẽ phải liên quan đến kinh tế học. Môn học này cho tôi cảm giác phấn khích, muốn khám phá, dù tôi không có nền tảng về nó nhưng trái tim đã mách bảo đây chính là con đường. Tôi sẽ dành thêm thời gian tìm hướng đi, và đọc trên group vietphd nữa, trên đó cũng có khối thứ hay ho.

Việc đọc sách tôi vẫn duy trì được tương đối đều dù thời gian hạn hẹp. Mục tiêu 20 cuốn đã hoàn thành và chắc sẽ thêm vài cuốn nữa từ giờ tới hết năm. Đọc nhiều thực sự giúp mở mang kiến thức, giúp tôi biết nhiều hơn và khiêm tốn hơn.

Rèn luyện thân thể tôi không duy trì được đều đặn. Tuần chỉ chạy được 1 buổi và cảm thấy hơi đuối sức sau khi chạy. Các bài tập tay tập bụng cũng ngẫu hứng không duy trì đều đặn. Nguyên nhân là do bản thân lười chưa cố gắng. Tôi sẽ cải thiện lại vấn đề này. Nếu muốn thì vẫn luôn có thể tập đan xen trong lúc nấu ăn hay khi giải lao mà.

Văn chương lủng củng tạm gác ở đây.


Saturday, 21 October 2017

Chuyện con ếch

Chuyện con ếch 1
Có một con ếch nọ sống trong một cái ao. Con ếch sống trong cái ao của nó đã nhiều năm. Nó có một cái hang khá thoải mái và an toàn, tôm tép sâu bọ ở trong ao đại khái là cũng đủ cho nó sống qua ngày. Thế nhưng con ếch vẫn luôn mơ tưởng một ngày nào đó nó sẽ rời cái ao của mình tìm đến một cái ao khác sạch sẽ hơn, nhiều thức ăn hơn. Rồi một hôm nó quyết định rời bỏ nơi chốn quen thuộc đi tìm một miền đất mới. Vấn đề là nó chẳng biết đi theo hướng nào vì dù có nhảy cao hết cỡ thì nó cũng chẳng nhìn xa được hơn cái lá khoai trước mặt. Không biết đi đâu có nghĩa là đi đâu chả được. Vậy là nó chọn đại một hướng rồi mải miết nhảy. Nó nhảy nhiều ngày đến khi mệt mỏi rã rời tưởng chết tới nơi thì may sao nó gặp một cái ao. Con ếch nghĩ bụng đây chắc chắn là nơi mà mình vẫn mơ ước được tới. Mất vài ngày để nó làm quen với môi trường mới, đào một cái hang mới và tìm các loại thức ăn mới. Nó làm miệt mài mà không thấy mệt vì nói cho cùng đây chính là thứ mà nó vẫn mơ được làm. Nhưng cảm giác đó không kéo dài lâu, đến một ngày, con ếch nhận ra cái ao mới cũng chẳng khá khẩm gì hơn cái nơi nó vừa bỏ đi và nó lại nhen nhóm ý định tiếp tục ra đi. Cuộc đời con ếch cứ trải qua hết ngày lại tháng như vậy, nó cũng chẳng nhớ nổi mình đã tìm được bao nhiêu cái ao và đào bao nhiêu cái hang. Nếu bạn là ếch, bạn sẽ muốn mình là con ếch cứ mải miết đi tìm một nơi dồi dào thực phẩm hay là con ếch bằng lòng với cái ao mình đang sống cứ thế yên ả qua ngày?

Chuyện con ếch 2
Con ếch 2 này không may mắn như con ếch 1 vì dù sao con ếch 1 vẫn còn được tự do làm cái mình muốn. Con ếch 2 bị người ta bắt đưa vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu và chứng minh những thứ nó không bao giờ hiểu. Nó cùng nhiều con ếch khác bị đặt vào các 2 bể nước khác nhau. Ở bể đầu tiên người ta đun nóng nó lên 100 độ C chỉ trong vài phút. Lũ ếch tất nhiên không chịu nổi và nhảy toán loạn làm nước bắn tung tóe. Một số con may mắn nhảy được ra ngoài, số còn lại bị đun chín. Ở bể thứ 2 người ta vẫn tăng nhiệt độ đến 100 độ C chỉ khác cái là mỗi ngày tăng thêm 1 độ thôi. Lũ ếch ở trong bể 2 không nhảy toán loạn vì nói chung mỗi ngày tăng 1 độ thì chẳng phải vấn đề gì lắm. Nước đúng là có ấm lên chút nhưng chúng dần thích nghi và thấy bình thường. Chúng cứ nằm im vậy cho đến khi nhiệt độ đủ cao để luộc chín chúng.

Quay lại với câu hỏi về con ếch 1, tôi sẽ chọn lên đường ra đi như nó. Tôi cũng không biết nơi mình đến sẽ là hoa thơm cỏ lạ hay chỉ là một vũng sình thối hoắc nhưng tôi sẽ vẫn đi. Năm tháng qua, nhìn lại hành trình mà mình đã đi tôi có thể tự hào với chính bản thân mình. Và con ếch 1 khi nó cứ miệt mài nhảy qua hết cái ao này đến cái ao khác, có thể nó không nhận ra nhưng thực sự cơ bắp của nó đã dẻo dai hơn rất nhiều, làn da của nó đã chai sạn hơn, và đôi mắt của nó đã được nhìn vô số ngóc ngách của cuộc sống. Tôi không muốn làm con ếch bằng lòng với cái hang an toàn và chút thức ăn ít ỏi qua ngày. Tôi hoài nghi liệu cái hang đó có thực sự là nơi trú ẩn an toàn hay lại chính là cái bể nước đang từ từ đun chín con ếch mỗi ngày mà con ếch không hề nhận ra.

Nguồn: ClickHole

Saturday, 29 July 2017

Ba chàng lính ngự lâm

Nói đến 3 chàng lính ngự lâm thì những người lứa 8x trở về trước chắc không mấy ai không biết. Mặc dù chưa đọc truyện này bao giờ nhưng tôi đã xem quá trời phim được xây dựng theo cảm hứng từ những người lính ngự lâm quân. Tuổi thơ tôi đã từng mơ mộng được trở thành một người lính ngự lâm, mặc trên mình bộ quân phục rườm rà, đội mũ rộng vành gắn lông chim, tay cầm kiếm chụm mũi vào với nhau và hô vang "một người vì tất cả, tất cả vì một người" (one for all, all for one).

Lùng sục hàng sách cũ, tôi kiếm được một quyển về 3 chàng lính ngự lâm còn khá mới và là sách xuất bản xịn chứ không phải sách in lậu. Cảm giác cầm quyển sách dày gần 700 trang khổ giấy A4 trên tay nặng như cầm 2 cục gạch tôi cũng hơi ngán. Nếu văn phong khó nuốt như kiểu chiến tranh và hòa bình thì không biết bao giờ mới xơi hết quyển này. Thế nhưng đọc vào thì tôi lại mê ngay, có thể phần vì bản thân vốn đã yêu thích các nhân vật ngự lâm quân (có nét gì đó hao hao giống các anh hùng võ lâm trung nguyên nhưng là ở phương Tây), phần vì văn phong của tác giả Alexander Dumas rất gần gũi, vui nhộn, trào phúng.

Nói qua chút về tác giả Alexander Dumas sinh ra đầu thế kỷ 19 khi nền quân chủ phong kiến Pháp đang suy tàn, các cuộc cách mạng cộng hòa nổ ra khắp nơi. Cha ông từng làm tướng dưới trướng Napoleone nhưng sau bị thất sủng. Bản thân Dumas học hành không đến nơi đến chốn nhưng lại đặc biệt yêu thích văn chương và lịch sử. Ông đã tự học, tự nghiên cứu để có vốn kiến thức sâu sắc vể lịch sử và sử dụng nó làm tư liệu cho hầu hết các tác phẩm văn học của mình. Ông viết rất nhiều và đa dạng các thể loại từ kịch, tiểu thuyết, biên niên sử đến hồi ký, ký sự. Tác phẩm ba người lính ngự lâm có thể coi là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và thành công nhất của Dumas. Còn bản thân ông thì nói vui rằng tác phẩm thành công nhất của ông là thằng Alexander Dumas con cũng là một nhà văn rất nổi tiếng (có tác phẩm Trà Hoa Nữ).

Truyện kể về 4 người lính ngự lâm (tôi cũng không hiểu sao tác giả không đặt tên truyện là 4 mà lại là 3), trong đó có 3 người là ngự lâm quân từ đầu là Athos, Pothos, và Aramis. Người thứ 4 là chàng trai tỉnh lẻ tên là d'Artagnan. 4 người đều phục vụ dưới trướng ngài tổng quản ngự lâm de Treville - tâm phúc của vua Louis XIV. Thời đó quyền hành tập trung trong tay tể tướng/hồng y giáo chủ de Richelieu. Lực lượng ngự lâm quân của nhà vua và lực lượng vệ binh của tể tướng thường xuyên đối địch gây sự với nhau. 4 chàng ngự lâm quân thường xuyên là trung tâm của các vụ gây sự và cũng thường là kỳ đà cản mũi trong các âm mưu đen tối của tể tướng. 

So với truyện gốc, các bộ phim đã hư cấu thêm nhiều để hình ảnh các ngự lâm quân đẹp lung linh. Còn theo cách mô tả trong truyện thì nhiều chỗ hành vi, lời nói của mấy ông ngự lâm đến là buồn cười, thậm chí lố bịch nếu so với chuẩn mực bây giờ. Mỗi nhân vật trong truyện đều được Dumas xây dựng dưới dạng tính cách điển hình. D'artagnan là nhân vật trung tâm của cả truyện, mọi sự kiện đều xoay quanh chàng ngự lâm quân trẻ tuổi này, là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, dũng cảm khi chiến đấu, khôn ngoan mưu mẹo khi lên kế hoạch. Chàng không chịu phục tùng kẻ mạnh, sẵn sàng hi sinh cho niềm tin của mình nhưng lại đa tình, hay tán tỉnh phụ nữ. Cũng vì thói lăng nhăng nên mới khiến cả bọn rơi vào vòng nguy hiểm và còn hại chết cả người phụ nữ mình yêu là nàng Constance. Athos là người lớn tuổi nhất trong 4 người ngự lâm, một quý tộc đúng nghĩa từ xuất thân đến tác phong. Chàng lúc nào cũng bình tĩnh, điềm đạm cả trong tình huống hiểm nguy nhất, có kiến thức uyên bác về binh khí, lịch sử, đồ ăn, tiếng Latin nhưng lại thường xuyên uống rượu để quên đi một sự kiện đáng buồn trong quá khứ. Pothos thì bộc trực, hay khoe khoang, có sức mạnh nhưng đánh nhau hay thua và còn bám váy mấy bà mệnh phụ giàu có để có tiền chi tiêu cho trang phục, đồ ăn. Aramis đẹp trai như hàn quốc, lời nói và tác phong đều nhẹ nhàng tinh tế, đa tình hơn cả D'artagnan nhưng ước mơ cả đời là vào làm tu sĩ.

Ở bên phía đối địch có tể tướng de Richelieu mưu mô, gian hùng, uy quyền tột đỉnh. Ông này giống giống với nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc, tuy là nhân vật phản diện nhưng vẫn khiến người ta phải nể sợ vì cái uy và cách hành xử của mình. Nhân vật nguy hiểm thứ hai là Milady, từng là vợ của Athos với tên gọi bá tước de La Fere. Đây là người đàn bà đẹp nhưng tham vọng và sẵn sàng bất chấp để đạt được tham vọng. D'artagnan vì si mê Milady và chơi khăm nàng mà bị nàng truy sát đến tận cùng. Nàng sẵn sàng vượt biển sang Anh để ám sát quận công de Burkingham (quyền hành ngang với tể tướng de Richelieu) vì ngài tể tướng hứa sẽ cho nàng toàn quyền sinh sát với D'artagnan. Mưu trí và thủ đoạn của nàng không hề thua kém bất kỳ nhân vật nam giới nào trong truyện, và còn đáng sợ hơn khi nó ẩn dưới vẻ ngoài xinh đẹp, thánh thiện và giọng hát như thiên thần.

Ngoài ra còn vô số nhân vật trung lập khác, tuy xuất hiện ít nhưng không hề mờ nhạt vì tác giả đều cho họ những điểm nhận diện đặc trưng. Vua Louis hèn nhát, hay chơi bẩn, hay kèn cựa so đo; ngài de Treville rộng lượng, yêu mến bảo vệ các chàng ngự lâm; ông quận công de Burkingham si tình, sẵn sàng đánh đổi cơ đồ cả quốc gia chỉ để có được nụ cười của hoàng hậu Anne Austria; ông hàng xén Bonacieux bủn xỉn, ti tiện v.v... Mỗi nhân vật không còn là tính cách điển hình nữa mà hình như còn đại diện luôn cho một giai cấp/tầng lớp vào thời điểm đó. Tôi cũng không ngạc nhiên khi một tác phẩm đồ sộ với đầy tư liệu lịch sử, tái hiện sinh động chân thực hiện thực xã hội, mà lời văn vẫn trào phúng, dễ đọc này được xếp vào một trong những tác phẩm văn học hay nhất mọi thời đại.

Friday, 28 July 2017

Đà Nẵng du ký

Hè năm nay cả nhà tôi đi du lịch Đà Nẵng. Cả nhà đi theo kiểu bình dân, tự lên kế hoạch, tự book vé, khách sạn, v.v... Khoảng 2 tuần trước khi lên đường tôi đã chuẩn bị hết kế hoạch vui chơi cho từng ngày (cả nhà đi 5 ngày). Nhà tôi chọn đi chơi từ thứ 2 đến sáng thứ 7 về để tránh đi vào cuối tuần sẽ bị đông và giá cả ngày trong tuần cũng mềm hơn. 

Tối thứ 2 (17/7) cả nhà lên xe ra sân bay. Lúc đi trời mưa tầm tã, phải gọi mãi mới được 1 xe uber. May sao xe rất đẹp và rộng rãi còn ông anh lái xe thì cực vui tính, chuyện trò suốt dọc đường. Chuyến bay theo lịch là 7h cất cánh nhưng bị delay mất hơn 1 tiếng nên phải 8h30 mới bay được. Nhà tôi về đến khách sạn cũng gần 10h đêm nên chỉ có thể ra ăn ở quán gần khách sạn và dạo bộ ngoài biển Mỹ Khê một chút. Tôi đã cố tình đặt khách sạn gần biển để khi thích là có thể đi bộ ra ngắm biển. Khách sạn nhỏ và không nằm ở mặt đường lớn nên giá cũng khá mềm, chỉ 550k 1 đêm cho phòng double bedroom.

Sáng hôm sau cả nhà dậy thuê 2 xe máy. Xe máy trong Đà nẵng cực kỳ dễ thuê và cực kỳ tiết kiệm, chỉ hơi vất vả nếu trời nắng nên phù hợp với thanh niên hơn là với người có tuổi. Cả nhà chạy xe vào trung tâm thành phố, đến số 63 Lê Hồng Phong ăn bún chả cá. Giá một tô bún rơi vào khoảng 40-50k, không rẻ nhưng rất chất lượng, nước dùng đặc biệt ngon còn miếng cá và miếng chả thì to bự. Ở Đà Nẵng gần như hàng ăn nào cũng có 1 hũ hành tím ngâm dấm gắp ra ăn cùng bún cũng rất hợp. Giải quyết xong tô bún cả nhà lên xe chạy thẳng bán đảo Sơn Trà. Đường lên Linh Ứng, Sơn Trà là đoạn đường đẹp nhất Đà Nẵng vì một bên là biển, một bên là núi. Chạy xe máy hơi nắng chút nhưng có thể thoải mái ngắm toàn cảnh bãi biển Đà Nẵng từ trên cao, khoái hơn ô tô nhiều. Thăm chùa Linh Ứng xong, cả nhà tiếp tục chạy xe thêm khoảng 10km nữa để đến thăm cây đa cổ thụ. Nhà tôi bỏ qua đỉnh bàn cờ vì thật sự trên đó cũng không có gì hay để xem. Cây đa cổ thụ không đặc sắc lắm nhưng tôi muốn đến đó vì từ đó có thể đi bộ ra mũi Nghê - một địa điểm rất đẹp ở Sơn Trà. Thông tin trên mạng nói rằng có đường đi bộ (khoảng 1km) từ cây đa ra mũi nghê nhưng đến nơi thì mới biết đó không phải là đường đi bộ mà là lối mòn đi xuyên rừng. Không có con đường nào cả mà chỉ có dấu hiệu bằng sơn hoặc dây ruy băng buộc trên thân cây để chỉ cho mọi người biết đúng hướng cần đi. Mất gần 40 phút tôi và thằng Dương mới ra được đến mũi Nghê, mồ hôi ướt hết áo nhưng bù lại cảm giác được đặt chân đến nơi ít người đến. Thực ra chúng tôi cũng chỉ đứng ở trên nhìn xuống chứ không leo xuống tận nơi được vì vách đá dựng đứng. Muốn ra tận chỗ hòn đá hình con nghê phải đi thuyền mới ra được.
Cảnh Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà

Mũi Nghê, Sơn Trà
Quay trở về chỗ cây đa cũng đã hơn 12h, cả nhà di chuyển khỏi bán đảo Sơn Trà, đi sâu vào trong khu dân sinh để tìm quán hải sản. Quán hải sản Năm Đảnh nằm tít tận trong ngõ ở đường Trần Quang Khải, phải hỏi thăm mấy lần mới đến được. Quán nhậu kiểu bình dân, hải sản đồng giá 60k/món không kể là hàu hay bề bề. Đồ ăn khá tươi và ngon, nêm nếm vừa miệng còn giá cả thì không thể yêu hơn. Cả nhà 4 người ăn 7-8 món hải sản và uống bia nữa mà chỉ hết khoảng 500k. Điểm trừ là chỗ ngồi khá chật, kiểu quán nhậu bình dân, và lợp mái tôn nên nóng, tôm, ghẹ và bề bề đều nhỏ nhưng với người travel on budget như nhà tôi thì vậy là quá ổn rồi. Ăn xong cả nhà về lại khách sạn nghỉ ngơi, định rằng chiều dậy sẽ đi chợ và đi tắm biển. Không may, chiều hôm đó Đà Nẵng mưa to, mãi đến gần 4h mới ngớt. Cả nhà đành gọi taxi ra thăm chợ Cồn chứ không đi tắm biển được.

Chợ Cồn là chợ lớn nhất ở Đà Nẵng, bán đủ mọi thứ trên đời. Tôi thì không quan tâm lắm đến mua sắm mà vào chợ chỉ cốt để thử mấy đồ ăn vặt ở đây. Loanh quanh một lúc tôi cũng thử được vài món như: bánh tằm dừa, bánh da lợn, nộm xơ mít,... Tiếc vì bụng dạ có hạn nên không thử được hết các món. Rời chợ, cả nhà đến quán Trần ở gần cầu quay sông Hàn ăn món bánh tráng thịt heo. Quánh này thì quá nổi tiếng rồi, vị trí đẹp, chỗ ngồi lịch sự, đồ cũng ngon nhưng giá thì hơi chát một chút. Cả nhà gọi 2 suất heo 2 suất bò và mấy chai nước suối mà lúc thanh toán cũng hết gần 700k. Ăn xong, cả nhà đi bộ qua cầu sang bên kia sông để đi dạo dọc bến Bạch Đằng rồi lại đi qua cầu Rồng bắt taxi về. Cầu ở Đà Nẵng được xây khá đẹp và chắc chắn. Tôi không rành mấy về xây dựng nên chỉ đoán mò sau khi gõ thử vào thành cầu, dây cáp và nhìn những chỗ bắt vít. Cầu Rồng được gọi tên do khung sắt trên cầu được tạo hình con rồng, phần đầu rồng có thể phun nước phun lửa và còn có mắt hình trái tim - cute lạc lối.
Cầu Rồng (mắt trái tim)
Sang đến đầu bên kia của cầu Rồng lại có cầu tình yêu với đèn lồng trái tim đỏ rực. Ở Đà Nẵng nhìn đâu cũng thấy tràn ngập yêu thương, từ cảnh quan cho đến con người. Ấy là tôi cứ phán đại vậy chứ không dám chắc vì tôi chỉ lưu lại đây có vài ngày. Mà trong những ngày ở Đà Nẵng tôi không có gì phải phiền lòng với mọi thứ ở thành phố này (giao thông thông thoáng, gần như không thấy bóng cảnh sát, đồ ăn ngon mà giá cả phải chăng, người bán hàng, người lái taxi hầu như đều vui vẻ hòa nhã).

Hai hôm tiếp theo nhà tôi đi Bà Nà và Cù Lao Chàm theo dạng mua tour lẻ. Mua tour hay tự đi thì chi phí cũng sàn sàn như nhau nhưng mua tour thì đỡ cho bạn khoản phải xếp hàng mua vé, có xe đưa đón, có hdv, v.v... Đổi lại về thời gian sẽ bị thúc ép không được tự do thoải mái vui chơi như tự đi. Bà Nà so với hồi 2011 tôi đến thì giờ đã hoàn thiện hầu hết các hạng mục. Cảnh thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo cứ phải gọi là đẹp lung linh, tha hồ cho các con giời chụp ảnh sống ảo. Nhưng hình như ai đến Đà Nẵng cũng nhất định phải đi Bà Nà nên nó đông khủng khiếp (mặc dù tôi đã đi vào thứ ba chứ không phải cuối tuần). Chỗ nào cũng đông đặc người, lại còn lắm trung quốc với hàn xẻng nói năng xí xố, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nên cũng chẳng còn thấy thư thả mà thăm quan ngắm cảnh nữa. Xuống chỗ vui chơi thì trò nào cũng xếp hàng dài cả cây số nên tôi và Dương chọn chơi trò có ít người xếp hàng nhất - trò leo núi. Trông ngoài tưởng dễ ăn thế mà đến khi leo thật thì được độ 10 mét là tay tôi mất cảm giác, chân thì run lẩy bẩy, phải bỏ cuộc. Sau nhất định sẽ kiếm chỗ ngoài Hà Nội để thử lại chứ hôm nay thua vừa cay vừa không phục.
Leo núi nhân tạo ở Bà Nà Hill
Cù Lao Chàm cũng đông chẳng kém Bà Nà. Chờ đợi khoảng 45 phút cả nhà mới lên được ca nô. Ca nô đi Cù Lao Chàm phóng thì thôi rồi. Tôi ngồi đầu mũi thấy phê lắm, cảm giác mỗi lần ca nô nhảy trên ngọn sóng rồi đáp xuống thì tim gan mình cũng nhảy ra ngoài theo. Thanh niên thì có thể thích đi ca nô chứ các cụ có tuổi ngồi ca nô vậy không khác gì tra tấn, may mà đi về không cụ nào ốm. Cù Lao Chàm quản lý và dịch vụ không tốt như ở Mỹ Khê, trên bãi biển có nhiều rác và dịch vụ ăn uống tôi cũng không ưng ý. Đi Cù Lao Chàm có hoạt động lặn biển ngắm san hô nhưng thật ra chỉ là bơi úp mặt xuống nước vì hướng dẫn viên bắt mọi người phải mặc áo phao. Tôi và Dương đều bơi được, muốn bỏ áo phao lặn xuống ngắm tận nơi nhưng không được. Tóm lại cả tour Bà Nà và Cù Lao Chàm đều hơi thất vọng, mặc dù cảnh quan đẹp nhưng lại không được trải nghiệm trọn vẹn.

Ngày cuối ở Đà Nẵng lịch trình của nhà tôi nhẹ nhàng hơn. Sáng đi chợ Hàn mua ít đồ khô mang về làm quà rồi chiều ra thăm Ngũ hành sơn và xuống Hội An. Cách Hội An 5km chúng tôi rẽ vào bãi biển An Bàng. Trong danh sách 100 bãi biển đẹp nhất thế giới do CNN bình chọn thì Việt Nam có 2 là bãi Dài ở Phú Quốc và bãi An Bàng ở Hội An. Vì vậy nên tôi nhất định phải vào tắm thử cho biết. So với bãi Mỹ Khê hay Cửa Đại thì An Bàng hoang sơ hơn do chưa bị khai thác. Trên bãi chỉ có vài hàng ăn uống, một vài nhà nghỉ và chỗ tắm nước ngọt. Bãi biển khá dốc nên đi ra khoảng 20 mét là đã ngập đầu người. Tôi cũng không rõ lý do vì sao bãi An Bàng lại lọt danh sách vì bãi này gần cửa sông nên nước không trong như Mỹ Khê, cát cũng ngả màu nâu chứ không trắng mịn. Đặc biệt là cửa sông nên có thêm đặc sản bèo tây dạt vào bãi rất nhiều. Tắm xong cả nhà di chuyển được đến khu phố cổ thì là tầm 7h tối. Gửi xe và vào ăn đặc sản Hội An là Cao Lầu ở quán Không Gian Xanh. Đi dạo quanh phố cổ tôi thử thêm mấy món đường phố nữa như nước Mót (nước thảo mộc), bánh giầy, chè sen v.v... Đồ lưu niệm ở Hội An khá đẹp và rẻ. Áo dài may sẵn có 500k, áo phông loại đẹp có 250k, loại thường thì 150k, ví, túi xách kiểu thổ cẩm chỉ vào khoảng 50 - 150k v.v...

4 ngày 5 đêm ở Đà Nẵng nhà tôi cũng đi được kha khá các điểm đến chính. Ngoài mấy món kể trên, nhà tôi còn ăn thêm 2 món khá ngon ở đây là mỳ Quảng bà Vị ở 106 Lê Đình Dương và cơm gà A.Hải ở 100 Thái Phiên. Tổng kết thiệt hại ăn uống, vui chơi, chỗ ở, và vé máy bay khứ hồi hết 22tr cho 4 người. Trung bình mỗi người hết 5.5tr - chi phí tương đối hợp lý khi đi cùng cả gia đình và ưu tiên cho việc ăn uống nghỉ ngơi. Năm nay đi tôi lên kế hoạch khá chi tiết nên mọi thứ diễn ra đều suôn sẻ, thuận lợi, chỉ trừ một điểm là tôi không tính đến sức của các cụ nên làm các cụ bị mệt khi theo lịch trình. Sang năm nếu bố trí được nhà tôi sẽ đến một địa điểm khác và kế hoạch sẽ được lên chi tiết hơn nữa để đảm bảo sức khỏe cho 2 cụ.


Saturday, 15 July 2017

Đúng việc: Một góc nhìn về câu chuyện khai minh

Tôi có thấy thầy Giản Tư Trung xuất hiện một vài lần trên tivi và trên mặt báo nhưng chưa bao giờ để ý xem thầy nói gì. Trong đầu tôi vẫn nghĩ kiểu "ôi giời, lại mấy ông triết lý dở hơi lên truyền thông bày đặt dạy đời". Nhưng cầm trên tay cuốn sách "Đúng việc" do thầy viết tôi mới cảm nhận được thầy đúng là một người vừa có tâm vừa có tầm và rất nặng lòng với giáo dục nước nhà. 
Trước khi đọc sách tôi có xem qua review trên goodread. Một số nói cuốn này quá triết lý đọc không thấm được, một số thì ca tụng hết lời nói cuốn này là một tác phẩm tương tự như "Khuyến học" của Fukuzawa. Tôi chưa đọc cuốn "Khuyến học" nên chẳng biết nhận xét thứ hai có đúng hay không, còn nhận xét đầu tiên thì tôi không đồng tình. Cuốn "Đúng việc" tuy bàn về nhiều vấn đề triết lý, lẽ sống nhưng viết theo lối kể chuyện rất gần gũi, và thầy Trung còn liên tục lồng vào các dẫn chứng cụ thể như truyện phim Avatar, truyện ngụ ngôn bộ quần áo của hoàng đế v.v... Vì thế nên những điều triết lý thầy nói rất vào và rất thấm. Tôi chỉ mất khoảng 3 buổi để đọc hết cuốn sách. 

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng thầy bàn đến rất nhiều khía cạnh về làm người, làm việc và giáo dục khai phóng. Ngoài ra còn có một phần bàn về làm dân, trong đó nói đến vai trò của nhà nước, thế nào là một nhà nước dân chủ và bổn phận của người dân là gì. Tôi hơi ngạc nhiên là những nội dung thầy viết trong phần làm dân qua được khâu kiểm duyệt và được xuất bản. Cách đây độ 5-7 năm chắc không có chuyện bên văn hóa thông tin cho phép bàn về những điều liên quan đến thể chế, chế độ như thế này. Có vẻ Việt Nam đã thực sự có những tiến bộ nhất định trong tự do thông tin.

Những nội dung thầy Trung viết không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Thế nào là làm người? Thế nào là làm dân? Làm việc vì bản thân mình hay làm việc vì tiền, vì địa vị, vì gia đình? Đó là những câu hỏi mà ai cũng phải trả lời trong suốt cuộc đời mình. Có người đến cuối đời vẫn còn băn khoăn dằn vặt vì không tìm ra được câu trả lời xác đáng, và cảm thấy mình đã sống phí hoài một đời. Đọc sách của thầy chắc chắn bạn sẽ tìm được ít nhiều câu trả lời cho những thắc mắc trên. Riêng với tôi - một người dạy học, khi đọc phần làm giáo dục của thầy cũng phải cúi đầu thấy xấu hổ với bản thân. Tôi vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh về việc không cố gắng hết mình, không tận tâm khi giảng dạy. Những giờ lên lớp của tôi hiếm có lúc nào say mê hết mình mà chỉ cố hoàn thành cho xong thời lượng đã định. Tôi cứ đứng trên bục giảng mà nói ra rả về những điều bản thân mình cũng chẳng hiểu lắm. Rồi khi học trò không hiểu, chán nản, nói chuyện và lăn ra ngủ thì đổ lỗi tại học trò. Tất nhiên, có thể đổ lỗi cho cả hệ thống giáo dục từ phổ thông lên đại học nhưng nếu cứ ngồi đó đổ lỗi mà bản thân không thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ có thể tiến lên được. 

Cảm ơn thầy Trung đã đưa ra nhiều quan điểm, nhận xét, đánh giá quý báu. Cuốn sách của thầy như tấm gương mà mỗi người có thể cầm lên soi lại bản thân mình xem mình đang ở đâu, và đã làm được gì, và còn phải làm những gì. 

Wednesday, 5 July 2017

Đồng tiền lên ngôi

Cuốn sách này tôi mua online qua website của tiki vào khoảng giữa năm 2016 gì đó. Lý do ban đầu là vì tôi bị ấn tượng bởi tiêu đề sách và khi đọc thử vài trang (tiki có chế độ cho phép đọc trước vài trang của sách) thì tôi lập tức bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả. Tuy nhiên, khi nhận được sách tôi cũng chỉ đọc được khoảng 2 chương là bỏ cuộc. Rõ là sách về kinh tế, chính trị thì luôn khó đọc và mất thời gian nhiều hơn mấy quyển tiểu thuyết, hay sách kỹ năng. Tôi mất ròng rã gần 2 tháng mới đọc xong cuốn sách.

Tác giả cuốn sách là Niall Ferguson - một sử gia tài chính, kinh tế xuất thân từ Glasgow Scotland, đồng hương với Sir Alex và cùng cả họ luôn (Ferguson là một họ phổ biến ở Scotland và Ireland). Ông Niall nhận bằng tiến sỹ ở Oxford khi mới 25 tuổi, và hiện đang vừa giảng dạy tại Oxford, Cambridge, LSE, Standford vừa viết bình luận cho Financial Times. Đúng là tuổi trẻ tài cao, chưa kể bề ngoài nhìn cũng rất chi là bóng bẩy đẹp trai chẳng thua gì soái ca Macron.

Cuốn sách được chia làm 6 chương + 1 lời kết (gần tương đương với 1 chương) kể lại tuần tự lịch sử phát triển của ngành tài chính thế giới. Từ thủa sơ khai của văn minh tiền tệ, khi những đoàn tàu chiến Tây Ban Nha vượt đại dương đến Peru vì những mỏ vàng, bạc đến các cuộc chiến tranh thị quốc, quốc gia được tài trợ bằng vay mượn thông qua thị trường trái phiếu. Khi giao thương giữa các quốc gia được mở rộng, người ta cần các công ty có quy mô và tiềm lực chưa từng có tiền lệ và thế là công ty cổ phần Đông Ấn Hà Lan ra đời và liền sau đó là sự ra đời của thị trường cổ phiếu. Thế giới được chứng kiến sự đầu cơ điên loạn và những giấc mộng làm giàu điên cuồng của bong bóng Mississippi của John Law, bong bóng South Sea, bong bóng xăng dầu Enron của Kenneth Lay. Sau những đổ vỡ và khủng hoảng, mọi người muốn tìm cho mình những tấm lá chắn an toàn và đó là chỗ cho thị trường bảo hiểm mở rộng, nhà nước phúc lợi lên ngôi. Người ta cũng tìm một chỗ trú chân cho bản thân phòng những ngày mưa gió (saving for the rainny day) bằng cách đầu tư vào bất động sản. Nhưng nhà cửa có lẽ cũng chẳng phải chỗ trú an toàn cho đầu tư như mọi người vẫn lầm tưởng. Sở hữu nhà ở toàn dân, cho vay dưới chuẩn, bong bóng bất động sản đã càn quét nền kinh tế Mỹ chẳng kém gì cơn bão nhiệt đới Katrina. Đoạn kết của cuốn sách, tác giả bàn đến nền kinh tế toàn cầu, các mối liên hệ qua lại giữa những siêu cường và để lại nhiều vấn đề cần suy nghĩ bàn luận.

Niall rất giỏi trong việc tóm lược những nét chính của lịch sử ngành tài chính suốt nhiều thế kỷ vào cuốn sách mà vẫn không làm mất đi tính logic, mạch lạc giữa các chương. Có lẽ là không đủ nếu chỉ dành 1 bài viết cho cuốn sách này vì nội dung nó chứa đựng phong phú hơn rất nhiều. Tôi sẽ viết thêm một vài bài nữa về những phần tâm đắc nhất tôi thu nhận được từ cuốn sách.

Friday, 30 June 2017

Âm mưu ngày tận thế

Ông tác giả Sidney Seldon khá là nổi tiếng. Từ hồi còn sinh viên tôi đã nghe mấy lão khóa trên kể về ông này rồi. Nhưng đến giờ tôi mới đọc cuốn truyện đầu tiên của ông.


"Âm mưu ngày tận thế" là một dạng tiểu thuyết phiêu lưu, trinh thám với nhân vật chính là tình báo hải quân Mỹ Robert Bellamy. Có một vụ tai nạn đĩa bay đâm xuống một khu rừng ở Thụy Sỹ và tình cờ một chiếc xe bus chạy qua với 10 hành khách đã chứng kiến vụ tai nạn này. Bellamy được lệnh phải truy tìm tông tích của 10 hành khách. Theo lệnh chỉ huy, anh đã lên đường điều tra dò theo dấu vết của các hành khách mà không biết mình đang nằm trong một âm mưu được xếp đặt sẵn. Cứ mỗi một hành khách mà Bellamy tìm thấy lập tức bị thủ tiêu và khi tìm xong hành khách thứ 10 thì chính Bellamy trở thành mục tiêu số 11 bị săn đuổi.

Cốt truyện khá rõ ràng mạch lạc, văn phong giản dị dễ đọc. Tuy nhiên, tôi không thấy bị lôi cuốn mấy ở nửa đầu cuốn truyện. Nửa đầu chính là phần Bellamy dò theo các dấu vết để tìm 10 hành khách. Có vẻ như tác giả đã để cho anh may mắn một cách bất thường khi các manh mối cứ lộ diện quá dễ dàng. Chỉ đến nửa sau khi bản thân Bellamy trở thành đối tượng bị săn đuổi thì tôi mới thấy câu truyện trở nên kịch tính và hấp dẫn hơn. Nhưng phần truy đuổi Bellamy hấp dẫn bao nhiêu thì cái kết truyện lại nhàn nhạt bấy nhiêu. Tôi hoàn toàn không thấy chút logic nào của việc ông đô đốc Whitaker về hưu vốn coi Bellamy như con đẻ hóa ra lại là kẻ chủ mưu mọi việc, hay tình tiết con tàu vũ trụ hạ cánh xuống trái đất mang đi mấy lão nhân vật gì đó chẳng liên quan lắm đến nội dung truyện.

Cuốn truyện không hay như tôi mong đợi, tôi cũng đã định bỏ dở giữa chừng nhưng lại nghĩ đến câu nói "nếu có ngoại lệ 1 lần thì cũng sẽ có lần thứ 2 và nhiều lần sau nữa" nên kiểu gì thì kiểu cũng phải đọc cho hết. Có nhận xét trên Goodread nói rằng cuốn tiểu thuyết này giống như series phim X-files (hồi cấp 2 tôi mê phim này lắm). Tôi cũng đồng ý với nhận xét này, cốt truyện và các tình tiết tương đối đơn giản phù hợp với 1 bộ phim giả tưởng về người ngoài hành tinh chứ chưa có gì đặc sắc hơn.

Sử Việt 12 khúc tráng ca

Tôi rất hâm mộ trang "X-file history" của anh Dũng Phan và anh Sơn Lê. Hai anh đều còn rất trẻ và không phải người nghiên cứu chuyên sâu về sử học. Anh Sơn Lê thì tôi không biết bao nhiêu tuổi, còn anh Dũng Phan chỉ hơn tôi có đúng 1 tuổi và đang làm kỹ sư xây dựng kiêm viết báo. Hai anh có niềm say mê rất lớn với lịch sử Việt Nam và đã lập ra một page trên facebook chuyên viết về lịch sử. Page có hơn trăm nghìn người theo dõi và bình luận (hầu hết cũng đều rất trẻ). Như vậy là người Việt trẻ không hề thờ ơ, chán ghét lịch sử nước nhà mà họ chỉ chán ghét cách dạy và học sử thôi. Trích lời anh Dũng Phan: "lịch sử không phải là những con số thống kê mà lịch sử là những câu chuyện, những bài học của tiền nhân để lại". Nếu có thể kể những câu chuyện lịch sử với tinh thần, hồn cốt của cha ông thì lo gì người Việt quay lưng với sử Việt.

Cũng với tinh thần đó nên các bài viết của anh Dũng Phan và anh Sơn Lê trên page thường rất cuốn hút người đọc. Những sự kiện, nhân vật lịch sử qua lời văn của các anh hiện lên gần gũi và có hồn hơn rất nhiều. Khi anh Dũng Phan có ý tưởng viết 1 cuốn sách về lịch sử Việt Nam tôi đã mong đợi rất nhiều. Rồi đến lúc sách ra mắt, tôi canh từng chút thời gian để đặt hàng online. Hơi tiếc xíu vì không đặt được bản bìa đen (limitted edition), nhưng thôi bản thường (bìa trắng) có chữ ký cũng tốt rồi. Tôi đặt sách từ ngày 18/6 và khoảng 1 tuần sau thì nhận được sách, vẫn sớm hơn khối bạn không đặt được giờ đang đợi mua từ hiệu sách. Có sách tôi đọc ngấu nghiến ngay buổi tối và sáng hôm sau dậy sớm đọc nốt. Lần này cũng là một kỷ lục đọc nhanh với tôi - sách hơn 200 trang mà chỉ đọc trong 1 ngày.


Nội dung cuốn sách không hẳn là đặc sắc, chỉ nhắc lại những sự kiện, nhân vật mà hầu hết người Việt Nam đều từng nghe, từng biết. Cuốn sách mở đầu bằng chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền - chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc và kết thúc là 9 đời chúa Nguyễn mang gươm vào Nam mở cõi - chinh phục Chăm Pa, Chân Lạp để nước Việt có đầy đủ hình dạng chữ S như bây giờ. Quãng thời gian gần 2000 năm lịch sử nước nhà được gói gọn trong 200 trang sách nên thông tin rất vắn tắt, cô đọng. Cuốn sách còn xa mới có thể xếp vào dạng công trình khảo cứu lịch sử. Không đồ sộ về nội dung, không mới mẻ về thông tin nhưng điểm mạnh lớn nhất của cuốn sách là cách tiếp cận. Giọng văn nhẹ nhàng, lối kể truyện lôi cuốn, khi đã mở ra là bạn phải ngấu nghiến từ đầu đến cuối chứ không dễ mà đặt sách xuống. Gấp sách lại tôi thấy hiểu thêm nhiều điều về lịch sử nước nhà - những điều mà tôi chưa bao giờ được nghe từ giáo viên dạy sử hay đọc được trong các sách lịch sử hồi phổ thông. Lý Thường Kiệt - vị tổng chỉ huy vĩ đại của cuộc chiến tranh chống quân Tống xâm lược - lại là một hoạn quan. Đinh, Lê, Lý, Trần trải cả nghìn năm lịch sử nhưng do quan niệm "xướng ca vô loài" nên không để lại dấu ấn gì trong nền âm nhạc dân tộc, đến triều Nguyễn coi "ca hát" là một nghề như mọi nghề thì Việt Nam có ngay "nhã nhạc cung đình" được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa nhân loại. Mưu sỹ có công lớn nhất giúp khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đi đến toàn thắng là Nguyễn Chích, còn vai trò của Nguyễn Trãi nhỏ bé hơn rất nhiều - soạn thảo thư dụ hàng, cáo thư. Mấy chục năm đô hộ của giặc Minh tuy ngắn nhưng đau thương hơn cả ngàn năm bắc thuộc - những người con tinh hoa nhất của đất Việt hoặc bị bắt đưa sang Trung Quốc (trong đó có kiến trúc sư Nguyễn An là tổng công trình sư của Tử Cấm thành) hoặc bị thiến cho tiệt nòi giống Việt. Hồ Quý Ly và con trai Hồ Nguyên Trừng là những nhà cải cách đại tài chỉ tiếc đã sinh nhầm thời, nếu như 2 ông xuất hiện muộn hơn vào thời của Minh Mạng thì những gì Minh Trị làm được cho Nhật Bản, 2 ông còn có thể làm hơn gấp nhiều lần. Và còn rất rất nhiều những điều bất ngờ, thú vị nữa bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách.

Cuốn sách gấp lại, nhiều bạn có lẽ có cùng cảm giác như tôi - thấy dâng lên một sự tự hào và thương cảm với những sự kiện vừa hào hùng vừa bi tráng của cha ông. Lịch sử là những vòng tròn lặp đi lặp lại, bài học của cha ông là lời răn cho thế hệ con cháu hãy học theo tiền nhân và tránh đi vào những vết xe đổ của đời trước. Tác giả Dũng Phan đã rất khéo léo truyền tình yêu lịch sử nước nhà đến cho bạn đọc. Yêu đất nước, trước tiên phải hiểu và yêu lịch sử của nước mình. 

Tuesday, 6 June 2017

I've just finished reading the book "Big Magic" by Elizabeth Gilbert

Elizabeth Gilberth (short name "Liz") is an America best-selling writer. She is probably best known for writing the book "Eat, Pray, and Love", which I also currently reading. I found her through Goodread's best book list. Being seduced by the title, I grab her book (Big Magic) and read it within 2 weeks. My reading speed is improved so I can read 30 to 40 pages per day. Previously, I only could read about less than 20 pages per day.

Liz is a novelist but this book is not a novel. It is about how we can live our life to the fullest and how to be creative living. The book is a collection of many short stories, all contributed to explaining how to live a creative life. Liz summarizes into 7 ingredients for creative living, i.e. Courage, Enchantment, Permission, Persistence, Trust, and Divinity.


Courage. Being creative means that you have to step out of your safe zone. At this time, fear always shows up because fear hates uncertainty and being innovative provides uncertainty outcome. Liz's advice is not to fight fear and try to relax. Her tip is a short self-talk with fear somehow like that "hey fear, I know you there and I know you gonna tell me not to do this, but you should understand that I am the one who in control here. I will let you get on the journey with me but you will not have the voice, the right to vote and especially the right to drive". I love this tip and start using it anytime I feel nervous before doing something. 

Enchantment. To start doing something creative you need to have an innovative idea. Liz tells us that ideas are alway exist in the universe. They float away trying to find someone who realizes them, interested in them and promises to work with them. All we need to do is let our mind relax and open to see the sigh when ideas come to us, grab them and commit to work until our work is done.

Permission. Everyone want to live a life to the fullest but not everyone dares to live this way. We often have pity though like "I'm just no one, I have no talent, how dare I'm to be creative, It's a stupid idea and I will earn nothing but time wasted". No, it's not right. Liz says that what keeps us from creative living is our self-absorption (doubt, disgust, judgement). We are allowed to be here in the earth, this means we are allowed to have a voice and a vision of our own. Quote from the book: "I do what I do because I love doing this".

Persistence. Believing is not enough, you also have to work your tail off. If you devote yourself to anything diligently for ten years, that will make you an expert. Even doing creative thing is not alway interesting. Sometimes, you might feel exhausted, so Liz's advice is don't treat your creativity like a tired old unhappy marriage and start regarding it as an affair. Even if you have only 15 minutes a day for your creativity let make it like a sexy hot love in a stairwell. Success depends on 3 factors: talent, luck, and discipline, but you can control only the discipline. It is your only card and you need to play it hard. Focus on your work and don't care about what other thinking because people merely don't give a damn about what you're doing. 

Trust. Follow your passion is a good idea, but if you are not clear about your passion then keep working and trust that creativity is alway trying to find you. What ever else happens, stay busy. "Be not solitary, be not idle" - Robert Burton.

Divinity. I'm not clear about the last part. Maybe because Liz is a religious woman so the spiritual, sacred, workship things are really important to her. I guest she wants to tell us that living a creative life is like following a religious, following god step.

The "Big Magic" book should be read more than once to get all the idea that the author want to say. Liz do not means to write a book to teach people. She write it because she love to write, and she write it for herself. But, it turn out that what she wrote in the book is really helpful for others, including me. Now, I believe in what I'm doing and I will keep doing what really matter to me not because of anyone but me.

Friday, 19 May 2017

Đọc sách

Đợt này tôi bắt đầu xài lại goodread.com; tôi có tài khoản ở trang này từ lâu rồi nhưng không sử dụng. Đây là 1 trang web để những người yêu thích đọc sách trao đổi, chia sẻ thông tin, đánh giá các cuốn sách. Ta có thể quản lý các cuốn sách mình đã đọc, xem sách mà bạn minh đang đọc và cũng đặt ra các kế hoạch đọc sách. Tôi đã đặt ra thử thách là đọc 20 cuốn sách trong 2017 và hiện tại đã đọc được 3 cuốn. Mục tiêu 20 cuốn chắc không đến nỗi khó nhưng trước mắt cứ vậy đã. Trước tôi cũng thỉnh thoảng đọc sách nhưng chưa tập để thành một thói quen liên tục, giờ tôi sẽ luyện cho mình thói quen đọc sách thường xuyên hơn.

Giờ tôi sẽ review lại 3 cuốn sách vừa đọc. Tôi làm gộp trong 1 bài viết thôi vì nếu chia ra thành 3 bài thì lâu quá mà tôi lại lười viết. 

Cuốn đầu tiên có tên là "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của tác giả Rosie Nguyễn. Tác giả cũng chỉ tầm tuổi tôi hoặc hơn 1 - 2 tuổi là cùng. Tuy vậy tôi cảm nhận được sự hiểu biết, cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của chị. Chị cũng từng có một tuổi trẻ không biết mình muốn gì, làm gì, và đi về đâu. Chị đã trải qua nhiều lựa chọn, đi nhiều, trải nghiệm nhiều để cuối cùng chọn được cho mình một cách sống phù hợp. Đọc sách của chị, người trẻ sẽ rất đồng cảm vì những khó khăn bế tắc mà hầu hết người trẻ gặp phải đều được chị mô tả một cách chân thực. Cuốn sách của chị rất truyền cảm hứng, khuyến khích người trẻ đọc sách nhiều hơn, thử thách bản thân nhiều hơn, bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều hơn. Bản thân tôi cũng được thúc đẩy bởi những gì chị viết trong sách nên tôi mới quyết định rèn thói quen đọc sách, tập chạy bộ.

Cuốn thứ hai là của tác giả Hiruka Murakami có tên là "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ". Cuốn này tôi được tặng. Lúc đầu tôi không thích lắm, đọc được vài trang rồi bỏ nhưng sau khi đọc hết quyển "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" thì tôi có động lực để đọc hết nó. Ông tác giả Murakami là người Nhật và rất nổi tiếng với các tác phẩm như "Rừng Nauy" hay "Biên niên ký chim vặn dây cót". Thực sự tôi cũng chưa đọc tác phẩm nào của ông này, và cũng không biết ông ý nổi tiếng thế khi tôi được tặng sách. Sau khi đọc kỹ cuốn sách (cũng hơi lâu phải mất gần 2 tuần mới xong) thì tôi đã hiểu hơn và dần cảm thấy thán phục sự nghiệp của ông ý. Ông này cũng không được học hành bài bản về viết văn, và nghề nghiệp ban đầu của ông ý là mở cửa hàng bán rượu nhưng sau vì thích viết văn nên ông ý dám dừng việc buôn bán để theo đuổi sở thích. Cuốn sách không dạy về chạy bộ hay khuyến khích mọi người chạy bộ mà viết về những gì ông Murakami suy nghĩ hay học được từ việc tập chạy bộ. Ngoài viết văn, ông ý có một thú vui là chạy bộ (cự ly marathon tầm 40km chứ không phải chạy vớ vẩn vài km như tôi). Đọc sách tôi học được nhiều triết lý, bài học cuộc sống từ một người đã sống quá nửa đời người, trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống. Một số ý tôi tâm đắc trong cuốn sách như "nếu bạn kiên trì làm một việc dù đơn giản ngày này qua ngày khác thì sẽ đạt đến mức độ tinh vi, thiền định", "cơ bắp hay trí óc đều thích được nghỉ xả hơi, nếu muốn chúng phát huy hết năng lực thì bạn phải bắt chúng làm việc dưới áp lực, mỗi khi vượt qua được giới hạn thì năng lực của chúng sẽ được gia tăng", "ở giữa chặng đường marathon, cơ bắp rất mệt mỏi và kêu gào đòi nghỉ nhưng ông không dám nghỉ vì ông sợ rằng nếu nghỉ ông sẽ không thể tiếp tục chạy lại được nữa. Khi ta vi phạm nguyên tắc 1 lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ 2" v.v... 

Cuốn thứ ba là "Nhà giả kim" của Paulo Coelho. Thấy bìa sách ghi là cuốn sách bán chạy thứ hai sau kinh thánh. Tôi cũng không chắc lắm về thông tin này nhưng thông tin ông Paulo là tác giả còn sống có nhiều sách được chuyển dịch nhất thì có vẻ đáng tin cậy. Nội dung cuốn sách là cuộc phiêu lưu chàng thanh niên người Tây Ban Nha Santiago đi theo tiếng gọi của trái tim và những giấc mơ. Cốt truyện nhẹ nhàng lôi cuốn và nhuốm màu thần bí như những câu chuyện thần thoại nghìn lẻ một đêm. Dọc suốt cốt truyện, ông tác giả khéo léo lồng vào những bài học cuộc sống, tư tưởng triết lý. Tôi thấy phảng phất bóng dáng văn phong của "Hoàng tử bé" trong truyện "Nhà giả kim". Cuốn sách giống như cuộc đời của Paulo Coelho vậy. Ông mơ ước thành nhà văn từ khi còn nhỏ nhưng do áp lực gia đình nên đã theo học Luật và làm nhiều nghề khác nhau nhưng rồi cuối cùng chỉ có viết văn mới mang lại niềm vui thích thực sự cho ông. Từ bỏ công việc đang có, tài sản mà bạn đang sở hữu để theo đuổi giấc mơ (mà mình chẳng biết có thành sự thực hay không) thật sự là quyết định đầy rủi ro. Không nhiều người có đủ bản lĩnh để lựa chọn, đa số thích chọn cho mình chỗ trú ẩn an toàn hơn. Nhưng khi kết thúc cuộc sống nhìn lại những gì đã trải qua chúng ta sẽ hối tiếc về những việc mình chưa làm hơn là những việc mình đã làm. "Khi ta tha thiết muốn một điều gì đó thì cả vũ trụ sẽ tác động để ta đạt được điều mình mong muốn".

Tuesday, 2 May 2017

Làm đề tài nghiên cứu ở trường tôi

Giải quyết xong hết các việc tồn đọng của năm cũ cũng mất gần 1 tháng. Blog của tôi bị bỏ bê sắp mọc rêu mất rồi. Cái công việc tồn đọng mà tôi nói ở đây là cái đề tài NCKH của giáo viên. Theo quy định thì mỗi năm một giáo viên phải đảm bảo một định mức NCKH nhất định. Cái định mức này được tính theo đơn vị là giờ, ví dụ như tôi hiện tại là phải đạt 80 giờ NCKH/năm, còn sắp tới sẽ thay đổi quy định nâng lên 120 giờ/năm. Cách tính giờ thì như sau: đề tài NCKH ở khoa sẽ được tính là 150 giờ, ở học viện sẽ được tính là 500 giờ (cấp càng cao thì giờ càng nhiều). Như tôi cứ làm 1 đề tài cấp khoa hoặc tham gia 1 đề tài cấp học viện là sẽ đủ định mức. Còn nếu không làm đề tài thì phải viết cỡ khoảng 10 bài báo mới đủ. 

Việc làm đề tài là không bắt buộc nhưng nếu không đạt định mức NCKH sẽ bị phạt nên gần như ai cũng làm. Hơn nữa việc làm 1 đề tài nói chung nhẹ nhàng hơn và dễ hơn việc phải viết 10 bài báo. Cách tính điểm NCKH như vậy cũng không có gì là sai. Tôi chưa tìm hiểu các trường lớn hay các nước tiên tiến họ làm như thế nào nhưng đoán là cũng phải có một cách thức quy đổi tương tự để áp định mức cho mỗi giảng viên. Tôi chỉ không hài lòng về một số khía cạnh trong cách triển khai ở trường tôi:
Thứ nhất, đề tài do giảng viên đề xuất, đăng ký và tổng hợp lên để ban Khoa học phê duyệt. Khi nào được phê duyệt thì lúc đó mới chắc chắn được thực hiện. Còn đề xuất lên mà không phê thì thôi xong. Cái đáng nói là quy trình này diễn ra khá chậm, thường là đến tháng 4 mới có quyết định phê duyệt. Vậy thực tế giảng viên chỉ còn 8 tháng để làm chứ không phải 12 tháng. Năm nay có tiến bộ hơn, mới tháng 2 đã phê duyệt rồi.

Thứ hai, đề tài được phân bổ mang tính chia đều (làm sao để khoa nào cũng có, bộ môn nào cũng có, trẻ có già có). Làm như vậy thì giữ được hòa khí trong trường, nhưng rõ ràng dàn đều thì không thể tối ưu hiệu quả đồng vốn (cái này ai chả biết). Thêm nữa là dàn đều nên số tiền cho mỗi đề tài cũng rất ít. Tính sơ sơ một năm khoảng gần 200 đề tài, mà tổng kinh phí cũng được đâu đó cỡ 3 4 tỷ nên tiền cho mỗi đề tài chỉ khoảng 20 triệu (đề tài cấp trường) và 7 triệu (đề tài cấp khoa).

Điểm cuối cùng, thực ra đây là kết quả của 2 điểm vừa kể ở trên. Do tiền ít, phê duyệt chậm nên mọi người đều mang tâm lý là làm cho xong, cho đủ định mức mà ít đầu tư cho chất lượng nên hàng năm trường làm rất nhiều đề tài mà chả có mấy cái có giá trị.

Mấy điều trên tôi chỉ bàn cho vui chứ không có ý đả kích hay chống phá gì, nếu ai có xem được thì cũng vui lòng đừng gán cho tôi mấy cái tội mà tôi không làm. Để an toàn tôi cũng không publish bài này, chỉ để draft thôi. Xã hội nhiều thằng hay cắn trộm, cẩn thận không lại thiệt thân. 

Năm nay có người bày cho tôi mẹo là thay vì làm 1 đề tài như đăng ký tôi cứ làm 2 hay 3 cái tùy khả năng xong sang các năm sau sẽ lấy ra đăng ký dần dần. Với cách làm việc "làm cho đủ định mức, giữ hòa khí chung" thì khả năng đề tài bị loại cũng khá thấp. Như vậy tôi chỉ cần làm 1 năm mà dùng được cho mấy năm sau. Ý tưởng quá hay, thế mà mình không nghĩ ra sớm. Phải cảm ơn cô bạn mới quen đã gợi ý cho tôi.

Những bộ truyện tranh yêu thích

Bài hôm nay sẽ tổng kết lại những bộ truyện tranh mà tôi thích nhất. Bản thân tôi cũng đọc rất nhiều bộ truyện tranh (Nhật, Hàn, Mỹ, ta đủ cả) nhưng có bộ chỉ đọc 1 lần rồi thôi, có bộ thì đọc đi đọc lại, lâu lâu nhớ lại mở ra đọc. Một bộ truyện hay đối với tôi phải có các tiêu chí sau: 

Thứ nhất, vẽ phải đẹp. Không cần quá hoa hòe hoa sói như mấy truyện chưởng của tàu nhưng cũng không được nhom nhem, nhìn như tranh trẻ con vẽ.

Thứ hai, cốt truyện phải hợp lý, logic, các tình tiết diễn biến theo kịch bản tác giả đã hình dung từ khi bắt đầu câu truyện. Rất nhiều truyện khởi đầu thì hay nhưng sau vài trăm chap, tác giả cạn ý tưởng nên phang bừa ra những thứ chẳng logic tý nào. Điển hình là Naruto khi mà gần cuối truyện lòi ra một đống thằng không biết từ đâu đến, mạnh siêu cấp.

Thứ ba, phải hài hước. Vốn truyện tranh là sản phẩm để giải trí, giảm căng thẳng nên cần nhiều yếu tố gây cười. Bộ truyện nào mà hack não thì tôi cũng không muốn đọc.

Thứ tư, sau cùng bộ truyện phải truyền tải được những bài học giá trị nào đó cho người đọc. Những bài học, triết lý cuộc sống truyền tải qua truyện tranh sẽ được tiếp nhận tự nhiên, dễ dàng hơn là sách đạo đức.

Sau đây là những bộ truyện tranh ưa thích của tôi (sắp xếp lung tung, vì khó xác định bộ nào hay hơn bộ nào):

+) Kattobi Itto

Tôi rất thích đá bóng nên cũng thích đọc truyện về bóng đá. Có không ít bộ truyện về chủ đề này nhưng không để lại cho tôi nhiều ấn tượng lắm ngoại trừ bộ Kattobi Itto (trước đây được NXB Kim Đồng phát hành với tên gọi là Jindo). Ngày học cấp 2, tôi cứ đợi thằng bạn cùng lớp mua truyện này là mượn mang về rồi đọc đi đọc lại trong buổi tối để hôm sau còn trả nó. Sau này vẫn thỉnh thoảng đọc lại trên các trang đọc truyện online. Tôi thích nhất chàng lùn Itto - luôn luôn lạc quan, hết mình với bạn bè và khi vào trận thì không bao giờ sợ hãi dù đối thủ có mạnh đến đâu.

+) Great Teacher Onizuka (GTO)

Bộ truyện về thầy giáo bá đạo Onizuka. Mặc dù bề ngoài như một thằng côn đồ suốt ngày chỉ quậy phá, đánh lộn, đua xe và xem JAV nhưng Onizuka lại chạm đến trái tim của học sinh, cảm hóa được cả những học sinh siêu cá biệt. Có thể nghe hơi buồn cười, nhưng Onizuka chính là hình mẫu giáo viên mà tôi muốn trở thành - một người thầy chân chính không bao giờ bỏ rơi học sinh của mình. Bộ truyện sẽ cho bạn được cười sảng khoái vì độ bựa vô đối của Onizuka và cũng cho bạn những triết lý cuộc sống sâu sắc về tuổi thơ, tình cảm gia đình, bạn bè, thầy trò. Rất thích một số câu nói của thầy Onizuka như:
- "Bằng cấp và học vấn rất quan trọng nhưng có một tuổi thơ đẹp cũng quan trọng không kém"
- "Nếu tôi là giáo viên tôi sẽ không bao giờ gọi học sinh của mình là đồ bỏ đi"

+) Tây du

Truyện Tây du ký thì quá quen thuộc với hầu hết người Việt Nam. Mọi người vẫn xem đi xem lại bộ phim tây du ký sản xuất năm 1996 vào mỗi dịp hè mà không thấy chán. Nhiều bộ truyện tranh cũng dựa vào truyện gốc tây du ký để sáng tác với các nhân vật anh khỉ Ngộ Không, anh trư Bát giới v.v... Tây Du là một bộ truyện như vậy nhưng các nhân vật, và cốt truyện lại khác xa so với nguyên gốc. Trong Tây Du thì Đường Tăng không còn yếu ớt mà rất giỏi võ, bặm trợn, sẵn sàng cân nguyên team yêu quái; các thiên thần trên trời không phải toàn người tốt mà phân thành 2 phe, trong đó 1 phe chuyên làm ác, ăn thịt người; Sa tăng không phải là yêu quái ở sông mà là yêu quái ở Sa mạc v.v... Những sáng tạo đi ngược hoàn toàn nguyên tác lại mang đến thành công không ngờ làm tôi rất thích bộ truyện này vì các tác giả không còn bị đóng khung trong lối mòn suy nghĩ. +) Kingdom (Vương giả thiên hạ)

Bộ truyện này tôi mới đọc gần đây và vẫn đang tiếp tục được sáng tác. Kingdom lấy bối cảnh là thời chiến quốc khi Tần Thủy Hoàng đánh dẹp các nước chư hầu để thống nhất Trung Hoa. Lịch sử giai đoạn này được ghi chép tương đối sơ sài. Các tác giả đã dựa vào những điển tích lịch sử và các thông tin vụn vặt thu thập được từ các bộ sử để sáng tạo ra một cốt truyện vô cùng chi tiết. Ai là fan của dã sử, của các trận chiến chiếm đất công thành thì không thể không yêu thích bộ truyện Kingdom.


+) Rainbow

Câu chuyện bắt đầu với 6 thanh niên cùng một phòng giam trong trại giáo dưỡng Shounan. Họ đã gặp một người anh cùng phòng và 7 người trở nên thân thiết, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong trại giáo dưỡng. Khi được ra ngoài, họ vẫn tiếp tục duy trình tình bạn thân thiết và luôn có mặt mỗi khi ai đó trong nhóm gặp khó khăn. Xuyên suốt bộ truyện, tác giả lột tả những mặt trái của xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2, qua đó tôn vinh tình anh em, bạn bè, tình cảm gia đình. Rất nhiều chi tiết trong truyện xứng đáng được dùng để minh họa cho những bài học đạo đức, triết lý sống. Ví dụ tình huống một thằng con lấy trộm tiền của nhà, vay mượn của bạn bè và bỏ nhà ra đi vì muốn bỏ trốn với một gái điếm nhưng đến khi quay trở về nhà bà mẹ không hề trách mắng một lời mà chỉ mỉm cười nói rằng "mừng con đã về nhà". Đọc truyện tôi thấy phảng phất lời bài hát "Kim sinh duyên". 


Tạm thời dừng ở đây đã, còn một số bộ truyện rất hay nữa tôi sẽ cập nhật sau.

Tuesday, 24 January 2017

Một số cái mới ...

Cuối năm công việc lu bu nên tôi để blog mốc meo gần 1 tháng. Hiện tại, tôi vẫn chưa xong việc nhưng làm mãi cũng chán nên tranh thủ nghỉ viết mấy dòng cho thay đổi không khí.

Mới viết bài chào năm 2017 gần đây thì giờ đã sắp hết tháng đầu tiên của năm rồi. Tôi có thêm một số thứ mới (nhỏ thôi) muốn khoe với các bạn. Đầu tiên là tôi đã có hẳn 2 hình xăm trên tay trái (một ở vai và một ở chỗ cẳng tay). Lần đầu tiên tôi hạ quyết tâm đi xăm là cách đây 2 hay 3 năm gì đó nhưng bị fail vì họ đo huyết áp thấy cao quá nên không cho xăm. Thật ra thì tôi hay bị căng thẳng và huyết áp nhảy lung tung như vậy khi làm việc gì đó khác lạ so với bình thường, ví dụ đi tiêm, đi thi, phát biểu v.v... chứ không phải do tôi sợ đau. Chỗ tôi vừa xăm đây không đo huyết áp gì cả, và cũng chẳng có thuốc tê vậy mà tôi vẫn chịu đc 3 tiếng, không kêu ca gì. Nếu ai hỏi tôi là xăm có đau không thì cũng hơi đau (nếu không có thuốc tê) nhưng không đến mức ghê gớm lắm đâu. 

Việc thứ hai tôi mới làm được là ra công ty môi giới chứng khoán mở tài khoản giao dịch. Việc này cũng định làm từ năm ngoái rồi vì thằng bạn thân cấp 3 nó làm trong lĩnh vực này và tôi thấy nó đầu tư khá tốt. Lấy đà mãi tôi mới ra mở được cái tài khoản (mới chỉ là mở tài khoản thôi nhé còn giao dịch lời lỗ thế nào tôi còn đang mù tịt). Từ từ vừa chơi vừa học vậy, có thằng bạn để hỏi nên tôi cũng tự tin hơn.

Đầu năm mới của tôi có mấy thứ mới thế đó. Tuy nhỏ xíu nhưng tôi cũng thấy vui vẻ, phấn khởi hơn. Nghĩ lại năm trước, cả một năm dài tôi không có lấy một chút thay đổi nào. Ngày qua ngày cứ lặp đi lặp lại thật là nhàm chán. Năm mới tôi sẽ cố gắng mỗi tháng có một vài thay đổi nào đó để cuộc sống luôn mới mẻ.

À quên, tháng vừa rồi tôi cũng đọc thêm được 1 cuốn sách có tên là "My holiday in North Korea: The funniest/worst place on Earth" của tác giả Wendy E.Simmons. Ở Việt Nam chắc chưa có nên tôi không biết tiêu đề tiếng Việt là gì, dịch thô thì là "Kỳ nghỉ của tôi ở Bắc Triều Tiên: quốc gia tồi tệ nhất và cũng hài hước nhất trên đời". Tôi nghĩ cuốn sách này có thể để đọc cho vui, làm chuyện bông đùa chứ chưa đến mức best-seller hay must-read. Có thể vì tôi sống ở Việt Nam nên mấy chuyện tác giả mô tả trong sách tôi cũng không thấy lạ lắm, ví dụ như khi người dân nói chuyện về lãnh tụ thì bao giờ cũng phải thêm các từ như lãnh tụ kính yêu, lãnh tụ vĩ đại; hoặc khi tác giả đến thăm các công trình như bệnh viện, trường học thì công trình nào cũng có bia tưởng niệm ghi lại các câu chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh tụ về việc xây công trình. Nếu bạn đến từ các nước châu Âu, hoặc châu Mỹ thì chắc bạn sẽ phải ôm bụng cười lăn lộn khi đọc những trải nghiệm của tác giả. Công bằng mà nói, cuốn sách khá hay, người viết có văn phong hài hước và mô tả chân thực những gì bà đã trải qua trong kỳ nghỉ tại Bắc Triều Tiên. Nếu bạn muốn biết đất nước này kỳ lạ đến đâu thì cuốn sách này sẽ cho bạn biết khá nhiều điều. Ngoài ra nếu bạn lười đọc sách thì có thể xem phim The Interview, nội dung cũng không khác sách là mấy. Bản thân tôi không có căn cứ để nói những gì tác giả viết là chính xác nhưng tôi tin bà Wendy không có động cơ gì để bịa đặt, bêu riếu về Triều Tiên. Có thể tôi sẽ tìm thêm một vài tài liệu khác viết về đất nước này để có cái nhìn chân thực hơn. 

Hôm nay tôi viết đến đây thôi, cũng chỉ là dăm ba chuyện không đầu cuối cho blog của riêng tôi. Sắp đến tết âm lịch, kính chúc các bạn và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

Friday, 6 January 2017

The Train to Crystal City

America is the country of immigrants. The first immigrants in US was the Spanishs, then the Englishs came and they brought Africans, Asians to build the country. Now, America is multiracial, people from all parts of the world come to US, for they believe that this country always treats everyone fairly. However, during the history of America, there was dark time when immigrants were discriminated, taunted and deported. Author Jan Jarboe Russell has spent years to collect stories from people of immigrant families in this time. His book - "The train to Crystal City" tell us one of the biggest secret in American history.



After Pearl Habor attack, FBI (authorized by president Roosevelt) arrested thousands of Japanese, Germans, Italians in all places within American. Most of them were innocent people and they don't know why they were arrested. Russell - the author, only has a chance to interview children from these family (now they are almost over 70). Some of them are: 

Ingrid Eiserloh was a German-born immigrant in Cleveland, Ohio. Her father was a worker. He was arrested because some of the neighbors told FBI that he built a helipad on his rooftop. The truth is that he only planned to build a pool. He was put in jailed without being prosecuted. 

Sumi was a 13-years old Japanese-American girl lived in Little Tokyo, LA. Her father was a quite famous photographer. FBI arrested him because he had donated some money to a Japanese school, and when his wife came to visit him, they were not allowed to speak in Japanese (English only). 

Ingrid and Sumi were only two of many immigrant-born children this time. Not long after their fathers were arrested, they (including their family and their father) were all sent to a place called Crystal City. Crystal city is a dry, sandy, small town in South Texas. Immigrants were sent here to do spinach. The government also put a statue of Popeye the sailor as the city symbol. But truth to be told that this city is one of the biggest internment camps during WWII. Thousands Japanese, Germans, Italians were prisoned there and exchanged for American soldier, businessmen behind enemy lines in Japan and German. They, immigrants, have to try hard to survive in the Crystal city. The book tells us what they had been through day-by-day until they were released. 
The Popeye Statue in Crystal City

The barbered wire of the Manzanar Camp, photo by Toyo Miyake. Retrieved from NYtimes (link)
Reading the book, I also find out that the Roosevelt has a wife named Elenor. She is very strong and independent from her husband. While Roosevelt running discrimination policy against immigrants, she spent her life to fight for the equality. The situation this time is somewhat similar to the situation now with the fight between Hilary and Trump on immigration, but I think Elenor is outweighted Hilary for she dare to stand up and fight her own husband.


Elenor Roosevelt (1884-1962)
Russell has done a good job for collecting many stories from American immigrants during WWII, before they pass away. His book shows us a shameful period of American, and America is not alway a country of liberty, equality, fraternity as I thought. I wonder if the history will be repeated as the trend of migration is raising.