Saturday, 15 July 2017

Đúng việc: Một góc nhìn về câu chuyện khai minh

Tôi có thấy thầy Giản Tư Trung xuất hiện một vài lần trên tivi và trên mặt báo nhưng chưa bao giờ để ý xem thầy nói gì. Trong đầu tôi vẫn nghĩ kiểu "ôi giời, lại mấy ông triết lý dở hơi lên truyền thông bày đặt dạy đời". Nhưng cầm trên tay cuốn sách "Đúng việc" do thầy viết tôi mới cảm nhận được thầy đúng là một người vừa có tâm vừa có tầm và rất nặng lòng với giáo dục nước nhà. 
Trước khi đọc sách tôi có xem qua review trên goodread. Một số nói cuốn này quá triết lý đọc không thấm được, một số thì ca tụng hết lời nói cuốn này là một tác phẩm tương tự như "Khuyến học" của Fukuzawa. Tôi chưa đọc cuốn "Khuyến học" nên chẳng biết nhận xét thứ hai có đúng hay không, còn nhận xét đầu tiên thì tôi không đồng tình. Cuốn "Đúng việc" tuy bàn về nhiều vấn đề triết lý, lẽ sống nhưng viết theo lối kể chuyện rất gần gũi, và thầy Trung còn liên tục lồng vào các dẫn chứng cụ thể như truyện phim Avatar, truyện ngụ ngôn bộ quần áo của hoàng đế v.v... Vì thế nên những điều triết lý thầy nói rất vào và rất thấm. Tôi chỉ mất khoảng 3 buổi để đọc hết cuốn sách. 

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng thầy bàn đến rất nhiều khía cạnh về làm người, làm việc và giáo dục khai phóng. Ngoài ra còn có một phần bàn về làm dân, trong đó nói đến vai trò của nhà nước, thế nào là một nhà nước dân chủ và bổn phận của người dân là gì. Tôi hơi ngạc nhiên là những nội dung thầy viết trong phần làm dân qua được khâu kiểm duyệt và được xuất bản. Cách đây độ 5-7 năm chắc không có chuyện bên văn hóa thông tin cho phép bàn về những điều liên quan đến thể chế, chế độ như thế này. Có vẻ Việt Nam đã thực sự có những tiến bộ nhất định trong tự do thông tin.

Những nội dung thầy Trung viết không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Thế nào là làm người? Thế nào là làm dân? Làm việc vì bản thân mình hay làm việc vì tiền, vì địa vị, vì gia đình? Đó là những câu hỏi mà ai cũng phải trả lời trong suốt cuộc đời mình. Có người đến cuối đời vẫn còn băn khoăn dằn vặt vì không tìm ra được câu trả lời xác đáng, và cảm thấy mình đã sống phí hoài một đời. Đọc sách của thầy chắc chắn bạn sẽ tìm được ít nhiều câu trả lời cho những thắc mắc trên. Riêng với tôi - một người dạy học, khi đọc phần làm giáo dục của thầy cũng phải cúi đầu thấy xấu hổ với bản thân. Tôi vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh về việc không cố gắng hết mình, không tận tâm khi giảng dạy. Những giờ lên lớp của tôi hiếm có lúc nào say mê hết mình mà chỉ cố hoàn thành cho xong thời lượng đã định. Tôi cứ đứng trên bục giảng mà nói ra rả về những điều bản thân mình cũng chẳng hiểu lắm. Rồi khi học trò không hiểu, chán nản, nói chuyện và lăn ra ngủ thì đổ lỗi tại học trò. Tất nhiên, có thể đổ lỗi cho cả hệ thống giáo dục từ phổ thông lên đại học nhưng nếu cứ ngồi đó đổ lỗi mà bản thân không thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ có thể tiến lên được. 

Cảm ơn thầy Trung đã đưa ra nhiều quan điểm, nhận xét, đánh giá quý báu. Cuốn sách của thầy như tấm gương mà mỗi người có thể cầm lên soi lại bản thân mình xem mình đang ở đâu, và đã làm được gì, và còn phải làm những gì. 

No comments:

Post a Comment