Saturday, 29 July 2017

Ba chàng lính ngự lâm

Nói đến 3 chàng lính ngự lâm thì những người lứa 8x trở về trước chắc không mấy ai không biết. Mặc dù chưa đọc truyện này bao giờ nhưng tôi đã xem quá trời phim được xây dựng theo cảm hứng từ những người lính ngự lâm quân. Tuổi thơ tôi đã từng mơ mộng được trở thành một người lính ngự lâm, mặc trên mình bộ quân phục rườm rà, đội mũ rộng vành gắn lông chim, tay cầm kiếm chụm mũi vào với nhau và hô vang "một người vì tất cả, tất cả vì một người" (one for all, all for one).

Lùng sục hàng sách cũ, tôi kiếm được một quyển về 3 chàng lính ngự lâm còn khá mới và là sách xuất bản xịn chứ không phải sách in lậu. Cảm giác cầm quyển sách dày gần 700 trang khổ giấy A4 trên tay nặng như cầm 2 cục gạch tôi cũng hơi ngán. Nếu văn phong khó nuốt như kiểu chiến tranh và hòa bình thì không biết bao giờ mới xơi hết quyển này. Thế nhưng đọc vào thì tôi lại mê ngay, có thể phần vì bản thân vốn đã yêu thích các nhân vật ngự lâm quân (có nét gì đó hao hao giống các anh hùng võ lâm trung nguyên nhưng là ở phương Tây), phần vì văn phong của tác giả Alexander Dumas rất gần gũi, vui nhộn, trào phúng.

Nói qua chút về tác giả Alexander Dumas sinh ra đầu thế kỷ 19 khi nền quân chủ phong kiến Pháp đang suy tàn, các cuộc cách mạng cộng hòa nổ ra khắp nơi. Cha ông từng làm tướng dưới trướng Napoleone nhưng sau bị thất sủng. Bản thân Dumas học hành không đến nơi đến chốn nhưng lại đặc biệt yêu thích văn chương và lịch sử. Ông đã tự học, tự nghiên cứu để có vốn kiến thức sâu sắc vể lịch sử và sử dụng nó làm tư liệu cho hầu hết các tác phẩm văn học của mình. Ông viết rất nhiều và đa dạng các thể loại từ kịch, tiểu thuyết, biên niên sử đến hồi ký, ký sự. Tác phẩm ba người lính ngự lâm có thể coi là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và thành công nhất của Dumas. Còn bản thân ông thì nói vui rằng tác phẩm thành công nhất của ông là thằng Alexander Dumas con cũng là một nhà văn rất nổi tiếng (có tác phẩm Trà Hoa Nữ).

Truyện kể về 4 người lính ngự lâm (tôi cũng không hiểu sao tác giả không đặt tên truyện là 4 mà lại là 3), trong đó có 3 người là ngự lâm quân từ đầu là Athos, Pothos, và Aramis. Người thứ 4 là chàng trai tỉnh lẻ tên là d'Artagnan. 4 người đều phục vụ dưới trướng ngài tổng quản ngự lâm de Treville - tâm phúc của vua Louis XIV. Thời đó quyền hành tập trung trong tay tể tướng/hồng y giáo chủ de Richelieu. Lực lượng ngự lâm quân của nhà vua và lực lượng vệ binh của tể tướng thường xuyên đối địch gây sự với nhau. 4 chàng ngự lâm quân thường xuyên là trung tâm của các vụ gây sự và cũng thường là kỳ đà cản mũi trong các âm mưu đen tối của tể tướng. 

So với truyện gốc, các bộ phim đã hư cấu thêm nhiều để hình ảnh các ngự lâm quân đẹp lung linh. Còn theo cách mô tả trong truyện thì nhiều chỗ hành vi, lời nói của mấy ông ngự lâm đến là buồn cười, thậm chí lố bịch nếu so với chuẩn mực bây giờ. Mỗi nhân vật trong truyện đều được Dumas xây dựng dưới dạng tính cách điển hình. D'artagnan là nhân vật trung tâm của cả truyện, mọi sự kiện đều xoay quanh chàng ngự lâm quân trẻ tuổi này, là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, dũng cảm khi chiến đấu, khôn ngoan mưu mẹo khi lên kế hoạch. Chàng không chịu phục tùng kẻ mạnh, sẵn sàng hi sinh cho niềm tin của mình nhưng lại đa tình, hay tán tỉnh phụ nữ. Cũng vì thói lăng nhăng nên mới khiến cả bọn rơi vào vòng nguy hiểm và còn hại chết cả người phụ nữ mình yêu là nàng Constance. Athos là người lớn tuổi nhất trong 4 người ngự lâm, một quý tộc đúng nghĩa từ xuất thân đến tác phong. Chàng lúc nào cũng bình tĩnh, điềm đạm cả trong tình huống hiểm nguy nhất, có kiến thức uyên bác về binh khí, lịch sử, đồ ăn, tiếng Latin nhưng lại thường xuyên uống rượu để quên đi một sự kiện đáng buồn trong quá khứ. Pothos thì bộc trực, hay khoe khoang, có sức mạnh nhưng đánh nhau hay thua và còn bám váy mấy bà mệnh phụ giàu có để có tiền chi tiêu cho trang phục, đồ ăn. Aramis đẹp trai như hàn quốc, lời nói và tác phong đều nhẹ nhàng tinh tế, đa tình hơn cả D'artagnan nhưng ước mơ cả đời là vào làm tu sĩ.

Ở bên phía đối địch có tể tướng de Richelieu mưu mô, gian hùng, uy quyền tột đỉnh. Ông này giống giống với nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc, tuy là nhân vật phản diện nhưng vẫn khiến người ta phải nể sợ vì cái uy và cách hành xử của mình. Nhân vật nguy hiểm thứ hai là Milady, từng là vợ của Athos với tên gọi bá tước de La Fere. Đây là người đàn bà đẹp nhưng tham vọng và sẵn sàng bất chấp để đạt được tham vọng. D'artagnan vì si mê Milady và chơi khăm nàng mà bị nàng truy sát đến tận cùng. Nàng sẵn sàng vượt biển sang Anh để ám sát quận công de Burkingham (quyền hành ngang với tể tướng de Richelieu) vì ngài tể tướng hứa sẽ cho nàng toàn quyền sinh sát với D'artagnan. Mưu trí và thủ đoạn của nàng không hề thua kém bất kỳ nhân vật nam giới nào trong truyện, và còn đáng sợ hơn khi nó ẩn dưới vẻ ngoài xinh đẹp, thánh thiện và giọng hát như thiên thần.

Ngoài ra còn vô số nhân vật trung lập khác, tuy xuất hiện ít nhưng không hề mờ nhạt vì tác giả đều cho họ những điểm nhận diện đặc trưng. Vua Louis hèn nhát, hay chơi bẩn, hay kèn cựa so đo; ngài de Treville rộng lượng, yêu mến bảo vệ các chàng ngự lâm; ông quận công de Burkingham si tình, sẵn sàng đánh đổi cơ đồ cả quốc gia chỉ để có được nụ cười của hoàng hậu Anne Austria; ông hàng xén Bonacieux bủn xỉn, ti tiện v.v... Mỗi nhân vật không còn là tính cách điển hình nữa mà hình như còn đại diện luôn cho một giai cấp/tầng lớp vào thời điểm đó. Tôi cũng không ngạc nhiên khi một tác phẩm đồ sộ với đầy tư liệu lịch sử, tái hiện sinh động chân thực hiện thực xã hội, mà lời văn vẫn trào phúng, dễ đọc này được xếp vào một trong những tác phẩm văn học hay nhất mọi thời đại.

Friday, 28 July 2017

Đà Nẵng du ký

Hè năm nay cả nhà tôi đi du lịch Đà Nẵng. Cả nhà đi theo kiểu bình dân, tự lên kế hoạch, tự book vé, khách sạn, v.v... Khoảng 2 tuần trước khi lên đường tôi đã chuẩn bị hết kế hoạch vui chơi cho từng ngày (cả nhà đi 5 ngày). Nhà tôi chọn đi chơi từ thứ 2 đến sáng thứ 7 về để tránh đi vào cuối tuần sẽ bị đông và giá cả ngày trong tuần cũng mềm hơn. 

Tối thứ 2 (17/7) cả nhà lên xe ra sân bay. Lúc đi trời mưa tầm tã, phải gọi mãi mới được 1 xe uber. May sao xe rất đẹp và rộng rãi còn ông anh lái xe thì cực vui tính, chuyện trò suốt dọc đường. Chuyến bay theo lịch là 7h cất cánh nhưng bị delay mất hơn 1 tiếng nên phải 8h30 mới bay được. Nhà tôi về đến khách sạn cũng gần 10h đêm nên chỉ có thể ra ăn ở quán gần khách sạn và dạo bộ ngoài biển Mỹ Khê một chút. Tôi đã cố tình đặt khách sạn gần biển để khi thích là có thể đi bộ ra ngắm biển. Khách sạn nhỏ và không nằm ở mặt đường lớn nên giá cũng khá mềm, chỉ 550k 1 đêm cho phòng double bedroom.

Sáng hôm sau cả nhà dậy thuê 2 xe máy. Xe máy trong Đà nẵng cực kỳ dễ thuê và cực kỳ tiết kiệm, chỉ hơi vất vả nếu trời nắng nên phù hợp với thanh niên hơn là với người có tuổi. Cả nhà chạy xe vào trung tâm thành phố, đến số 63 Lê Hồng Phong ăn bún chả cá. Giá một tô bún rơi vào khoảng 40-50k, không rẻ nhưng rất chất lượng, nước dùng đặc biệt ngon còn miếng cá và miếng chả thì to bự. Ở Đà Nẵng gần như hàng ăn nào cũng có 1 hũ hành tím ngâm dấm gắp ra ăn cùng bún cũng rất hợp. Giải quyết xong tô bún cả nhà lên xe chạy thẳng bán đảo Sơn Trà. Đường lên Linh Ứng, Sơn Trà là đoạn đường đẹp nhất Đà Nẵng vì một bên là biển, một bên là núi. Chạy xe máy hơi nắng chút nhưng có thể thoải mái ngắm toàn cảnh bãi biển Đà Nẵng từ trên cao, khoái hơn ô tô nhiều. Thăm chùa Linh Ứng xong, cả nhà tiếp tục chạy xe thêm khoảng 10km nữa để đến thăm cây đa cổ thụ. Nhà tôi bỏ qua đỉnh bàn cờ vì thật sự trên đó cũng không có gì hay để xem. Cây đa cổ thụ không đặc sắc lắm nhưng tôi muốn đến đó vì từ đó có thể đi bộ ra mũi Nghê - một địa điểm rất đẹp ở Sơn Trà. Thông tin trên mạng nói rằng có đường đi bộ (khoảng 1km) từ cây đa ra mũi nghê nhưng đến nơi thì mới biết đó không phải là đường đi bộ mà là lối mòn đi xuyên rừng. Không có con đường nào cả mà chỉ có dấu hiệu bằng sơn hoặc dây ruy băng buộc trên thân cây để chỉ cho mọi người biết đúng hướng cần đi. Mất gần 40 phút tôi và thằng Dương mới ra được đến mũi Nghê, mồ hôi ướt hết áo nhưng bù lại cảm giác được đặt chân đến nơi ít người đến. Thực ra chúng tôi cũng chỉ đứng ở trên nhìn xuống chứ không leo xuống tận nơi được vì vách đá dựng đứng. Muốn ra tận chỗ hòn đá hình con nghê phải đi thuyền mới ra được.
Cảnh Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà

Mũi Nghê, Sơn Trà
Quay trở về chỗ cây đa cũng đã hơn 12h, cả nhà di chuyển khỏi bán đảo Sơn Trà, đi sâu vào trong khu dân sinh để tìm quán hải sản. Quán hải sản Năm Đảnh nằm tít tận trong ngõ ở đường Trần Quang Khải, phải hỏi thăm mấy lần mới đến được. Quán nhậu kiểu bình dân, hải sản đồng giá 60k/món không kể là hàu hay bề bề. Đồ ăn khá tươi và ngon, nêm nếm vừa miệng còn giá cả thì không thể yêu hơn. Cả nhà 4 người ăn 7-8 món hải sản và uống bia nữa mà chỉ hết khoảng 500k. Điểm trừ là chỗ ngồi khá chật, kiểu quán nhậu bình dân, và lợp mái tôn nên nóng, tôm, ghẹ và bề bề đều nhỏ nhưng với người travel on budget như nhà tôi thì vậy là quá ổn rồi. Ăn xong cả nhà về lại khách sạn nghỉ ngơi, định rằng chiều dậy sẽ đi chợ và đi tắm biển. Không may, chiều hôm đó Đà Nẵng mưa to, mãi đến gần 4h mới ngớt. Cả nhà đành gọi taxi ra thăm chợ Cồn chứ không đi tắm biển được.

Chợ Cồn là chợ lớn nhất ở Đà Nẵng, bán đủ mọi thứ trên đời. Tôi thì không quan tâm lắm đến mua sắm mà vào chợ chỉ cốt để thử mấy đồ ăn vặt ở đây. Loanh quanh một lúc tôi cũng thử được vài món như: bánh tằm dừa, bánh da lợn, nộm xơ mít,... Tiếc vì bụng dạ có hạn nên không thử được hết các món. Rời chợ, cả nhà đến quán Trần ở gần cầu quay sông Hàn ăn món bánh tráng thịt heo. Quánh này thì quá nổi tiếng rồi, vị trí đẹp, chỗ ngồi lịch sự, đồ cũng ngon nhưng giá thì hơi chát một chút. Cả nhà gọi 2 suất heo 2 suất bò và mấy chai nước suối mà lúc thanh toán cũng hết gần 700k. Ăn xong, cả nhà đi bộ qua cầu sang bên kia sông để đi dạo dọc bến Bạch Đằng rồi lại đi qua cầu Rồng bắt taxi về. Cầu ở Đà Nẵng được xây khá đẹp và chắc chắn. Tôi không rành mấy về xây dựng nên chỉ đoán mò sau khi gõ thử vào thành cầu, dây cáp và nhìn những chỗ bắt vít. Cầu Rồng được gọi tên do khung sắt trên cầu được tạo hình con rồng, phần đầu rồng có thể phun nước phun lửa và còn có mắt hình trái tim - cute lạc lối.
Cầu Rồng (mắt trái tim)
Sang đến đầu bên kia của cầu Rồng lại có cầu tình yêu với đèn lồng trái tim đỏ rực. Ở Đà Nẵng nhìn đâu cũng thấy tràn ngập yêu thương, từ cảnh quan cho đến con người. Ấy là tôi cứ phán đại vậy chứ không dám chắc vì tôi chỉ lưu lại đây có vài ngày. Mà trong những ngày ở Đà Nẵng tôi không có gì phải phiền lòng với mọi thứ ở thành phố này (giao thông thông thoáng, gần như không thấy bóng cảnh sát, đồ ăn ngon mà giá cả phải chăng, người bán hàng, người lái taxi hầu như đều vui vẻ hòa nhã).

Hai hôm tiếp theo nhà tôi đi Bà Nà và Cù Lao Chàm theo dạng mua tour lẻ. Mua tour hay tự đi thì chi phí cũng sàn sàn như nhau nhưng mua tour thì đỡ cho bạn khoản phải xếp hàng mua vé, có xe đưa đón, có hdv, v.v... Đổi lại về thời gian sẽ bị thúc ép không được tự do thoải mái vui chơi như tự đi. Bà Nà so với hồi 2011 tôi đến thì giờ đã hoàn thiện hầu hết các hạng mục. Cảnh thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo cứ phải gọi là đẹp lung linh, tha hồ cho các con giời chụp ảnh sống ảo. Nhưng hình như ai đến Đà Nẵng cũng nhất định phải đi Bà Nà nên nó đông khủng khiếp (mặc dù tôi đã đi vào thứ ba chứ không phải cuối tuần). Chỗ nào cũng đông đặc người, lại còn lắm trung quốc với hàn xẻng nói năng xí xố, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nên cũng chẳng còn thấy thư thả mà thăm quan ngắm cảnh nữa. Xuống chỗ vui chơi thì trò nào cũng xếp hàng dài cả cây số nên tôi và Dương chọn chơi trò có ít người xếp hàng nhất - trò leo núi. Trông ngoài tưởng dễ ăn thế mà đến khi leo thật thì được độ 10 mét là tay tôi mất cảm giác, chân thì run lẩy bẩy, phải bỏ cuộc. Sau nhất định sẽ kiếm chỗ ngoài Hà Nội để thử lại chứ hôm nay thua vừa cay vừa không phục.
Leo núi nhân tạo ở Bà Nà Hill
Cù Lao Chàm cũng đông chẳng kém Bà Nà. Chờ đợi khoảng 45 phút cả nhà mới lên được ca nô. Ca nô đi Cù Lao Chàm phóng thì thôi rồi. Tôi ngồi đầu mũi thấy phê lắm, cảm giác mỗi lần ca nô nhảy trên ngọn sóng rồi đáp xuống thì tim gan mình cũng nhảy ra ngoài theo. Thanh niên thì có thể thích đi ca nô chứ các cụ có tuổi ngồi ca nô vậy không khác gì tra tấn, may mà đi về không cụ nào ốm. Cù Lao Chàm quản lý và dịch vụ không tốt như ở Mỹ Khê, trên bãi biển có nhiều rác và dịch vụ ăn uống tôi cũng không ưng ý. Đi Cù Lao Chàm có hoạt động lặn biển ngắm san hô nhưng thật ra chỉ là bơi úp mặt xuống nước vì hướng dẫn viên bắt mọi người phải mặc áo phao. Tôi và Dương đều bơi được, muốn bỏ áo phao lặn xuống ngắm tận nơi nhưng không được. Tóm lại cả tour Bà Nà và Cù Lao Chàm đều hơi thất vọng, mặc dù cảnh quan đẹp nhưng lại không được trải nghiệm trọn vẹn.

Ngày cuối ở Đà Nẵng lịch trình của nhà tôi nhẹ nhàng hơn. Sáng đi chợ Hàn mua ít đồ khô mang về làm quà rồi chiều ra thăm Ngũ hành sơn và xuống Hội An. Cách Hội An 5km chúng tôi rẽ vào bãi biển An Bàng. Trong danh sách 100 bãi biển đẹp nhất thế giới do CNN bình chọn thì Việt Nam có 2 là bãi Dài ở Phú Quốc và bãi An Bàng ở Hội An. Vì vậy nên tôi nhất định phải vào tắm thử cho biết. So với bãi Mỹ Khê hay Cửa Đại thì An Bàng hoang sơ hơn do chưa bị khai thác. Trên bãi chỉ có vài hàng ăn uống, một vài nhà nghỉ và chỗ tắm nước ngọt. Bãi biển khá dốc nên đi ra khoảng 20 mét là đã ngập đầu người. Tôi cũng không rõ lý do vì sao bãi An Bàng lại lọt danh sách vì bãi này gần cửa sông nên nước không trong như Mỹ Khê, cát cũng ngả màu nâu chứ không trắng mịn. Đặc biệt là cửa sông nên có thêm đặc sản bèo tây dạt vào bãi rất nhiều. Tắm xong cả nhà di chuyển được đến khu phố cổ thì là tầm 7h tối. Gửi xe và vào ăn đặc sản Hội An là Cao Lầu ở quán Không Gian Xanh. Đi dạo quanh phố cổ tôi thử thêm mấy món đường phố nữa như nước Mót (nước thảo mộc), bánh giầy, chè sen v.v... Đồ lưu niệm ở Hội An khá đẹp và rẻ. Áo dài may sẵn có 500k, áo phông loại đẹp có 250k, loại thường thì 150k, ví, túi xách kiểu thổ cẩm chỉ vào khoảng 50 - 150k v.v...

4 ngày 5 đêm ở Đà Nẵng nhà tôi cũng đi được kha khá các điểm đến chính. Ngoài mấy món kể trên, nhà tôi còn ăn thêm 2 món khá ngon ở đây là mỳ Quảng bà Vị ở 106 Lê Đình Dương và cơm gà A.Hải ở 100 Thái Phiên. Tổng kết thiệt hại ăn uống, vui chơi, chỗ ở, và vé máy bay khứ hồi hết 22tr cho 4 người. Trung bình mỗi người hết 5.5tr - chi phí tương đối hợp lý khi đi cùng cả gia đình và ưu tiên cho việc ăn uống nghỉ ngơi. Năm nay đi tôi lên kế hoạch khá chi tiết nên mọi thứ diễn ra đều suôn sẻ, thuận lợi, chỉ trừ một điểm là tôi không tính đến sức của các cụ nên làm các cụ bị mệt khi theo lịch trình. Sang năm nếu bố trí được nhà tôi sẽ đến một địa điểm khác và kế hoạch sẽ được lên chi tiết hơn nữa để đảm bảo sức khỏe cho 2 cụ.


Saturday, 15 July 2017

Đúng việc: Một góc nhìn về câu chuyện khai minh

Tôi có thấy thầy Giản Tư Trung xuất hiện một vài lần trên tivi và trên mặt báo nhưng chưa bao giờ để ý xem thầy nói gì. Trong đầu tôi vẫn nghĩ kiểu "ôi giời, lại mấy ông triết lý dở hơi lên truyền thông bày đặt dạy đời". Nhưng cầm trên tay cuốn sách "Đúng việc" do thầy viết tôi mới cảm nhận được thầy đúng là một người vừa có tâm vừa có tầm và rất nặng lòng với giáo dục nước nhà. 
Trước khi đọc sách tôi có xem qua review trên goodread. Một số nói cuốn này quá triết lý đọc không thấm được, một số thì ca tụng hết lời nói cuốn này là một tác phẩm tương tự như "Khuyến học" của Fukuzawa. Tôi chưa đọc cuốn "Khuyến học" nên chẳng biết nhận xét thứ hai có đúng hay không, còn nhận xét đầu tiên thì tôi không đồng tình. Cuốn "Đúng việc" tuy bàn về nhiều vấn đề triết lý, lẽ sống nhưng viết theo lối kể chuyện rất gần gũi, và thầy Trung còn liên tục lồng vào các dẫn chứng cụ thể như truyện phim Avatar, truyện ngụ ngôn bộ quần áo của hoàng đế v.v... Vì thế nên những điều triết lý thầy nói rất vào và rất thấm. Tôi chỉ mất khoảng 3 buổi để đọc hết cuốn sách. 

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng thầy bàn đến rất nhiều khía cạnh về làm người, làm việc và giáo dục khai phóng. Ngoài ra còn có một phần bàn về làm dân, trong đó nói đến vai trò của nhà nước, thế nào là một nhà nước dân chủ và bổn phận của người dân là gì. Tôi hơi ngạc nhiên là những nội dung thầy viết trong phần làm dân qua được khâu kiểm duyệt và được xuất bản. Cách đây độ 5-7 năm chắc không có chuyện bên văn hóa thông tin cho phép bàn về những điều liên quan đến thể chế, chế độ như thế này. Có vẻ Việt Nam đã thực sự có những tiến bộ nhất định trong tự do thông tin.

Những nội dung thầy Trung viết không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Thế nào là làm người? Thế nào là làm dân? Làm việc vì bản thân mình hay làm việc vì tiền, vì địa vị, vì gia đình? Đó là những câu hỏi mà ai cũng phải trả lời trong suốt cuộc đời mình. Có người đến cuối đời vẫn còn băn khoăn dằn vặt vì không tìm ra được câu trả lời xác đáng, và cảm thấy mình đã sống phí hoài một đời. Đọc sách của thầy chắc chắn bạn sẽ tìm được ít nhiều câu trả lời cho những thắc mắc trên. Riêng với tôi - một người dạy học, khi đọc phần làm giáo dục của thầy cũng phải cúi đầu thấy xấu hổ với bản thân. Tôi vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh về việc không cố gắng hết mình, không tận tâm khi giảng dạy. Những giờ lên lớp của tôi hiếm có lúc nào say mê hết mình mà chỉ cố hoàn thành cho xong thời lượng đã định. Tôi cứ đứng trên bục giảng mà nói ra rả về những điều bản thân mình cũng chẳng hiểu lắm. Rồi khi học trò không hiểu, chán nản, nói chuyện và lăn ra ngủ thì đổ lỗi tại học trò. Tất nhiên, có thể đổ lỗi cho cả hệ thống giáo dục từ phổ thông lên đại học nhưng nếu cứ ngồi đó đổ lỗi mà bản thân không thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ có thể tiến lên được. 

Cảm ơn thầy Trung đã đưa ra nhiều quan điểm, nhận xét, đánh giá quý báu. Cuốn sách của thầy như tấm gương mà mỗi người có thể cầm lên soi lại bản thân mình xem mình đang ở đâu, và đã làm được gì, và còn phải làm những gì. 

Wednesday, 5 July 2017

Đồng tiền lên ngôi

Cuốn sách này tôi mua online qua website của tiki vào khoảng giữa năm 2016 gì đó. Lý do ban đầu là vì tôi bị ấn tượng bởi tiêu đề sách và khi đọc thử vài trang (tiki có chế độ cho phép đọc trước vài trang của sách) thì tôi lập tức bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả. Tuy nhiên, khi nhận được sách tôi cũng chỉ đọc được khoảng 2 chương là bỏ cuộc. Rõ là sách về kinh tế, chính trị thì luôn khó đọc và mất thời gian nhiều hơn mấy quyển tiểu thuyết, hay sách kỹ năng. Tôi mất ròng rã gần 2 tháng mới đọc xong cuốn sách.

Tác giả cuốn sách là Niall Ferguson - một sử gia tài chính, kinh tế xuất thân từ Glasgow Scotland, đồng hương với Sir Alex và cùng cả họ luôn (Ferguson là một họ phổ biến ở Scotland và Ireland). Ông Niall nhận bằng tiến sỹ ở Oxford khi mới 25 tuổi, và hiện đang vừa giảng dạy tại Oxford, Cambridge, LSE, Standford vừa viết bình luận cho Financial Times. Đúng là tuổi trẻ tài cao, chưa kể bề ngoài nhìn cũng rất chi là bóng bẩy đẹp trai chẳng thua gì soái ca Macron.

Cuốn sách được chia làm 6 chương + 1 lời kết (gần tương đương với 1 chương) kể lại tuần tự lịch sử phát triển của ngành tài chính thế giới. Từ thủa sơ khai của văn minh tiền tệ, khi những đoàn tàu chiến Tây Ban Nha vượt đại dương đến Peru vì những mỏ vàng, bạc đến các cuộc chiến tranh thị quốc, quốc gia được tài trợ bằng vay mượn thông qua thị trường trái phiếu. Khi giao thương giữa các quốc gia được mở rộng, người ta cần các công ty có quy mô và tiềm lực chưa từng có tiền lệ và thế là công ty cổ phần Đông Ấn Hà Lan ra đời và liền sau đó là sự ra đời của thị trường cổ phiếu. Thế giới được chứng kiến sự đầu cơ điên loạn và những giấc mộng làm giàu điên cuồng của bong bóng Mississippi của John Law, bong bóng South Sea, bong bóng xăng dầu Enron của Kenneth Lay. Sau những đổ vỡ và khủng hoảng, mọi người muốn tìm cho mình những tấm lá chắn an toàn và đó là chỗ cho thị trường bảo hiểm mở rộng, nhà nước phúc lợi lên ngôi. Người ta cũng tìm một chỗ trú chân cho bản thân phòng những ngày mưa gió (saving for the rainny day) bằng cách đầu tư vào bất động sản. Nhưng nhà cửa có lẽ cũng chẳng phải chỗ trú an toàn cho đầu tư như mọi người vẫn lầm tưởng. Sở hữu nhà ở toàn dân, cho vay dưới chuẩn, bong bóng bất động sản đã càn quét nền kinh tế Mỹ chẳng kém gì cơn bão nhiệt đới Katrina. Đoạn kết của cuốn sách, tác giả bàn đến nền kinh tế toàn cầu, các mối liên hệ qua lại giữa những siêu cường và để lại nhiều vấn đề cần suy nghĩ bàn luận.

Niall rất giỏi trong việc tóm lược những nét chính của lịch sử ngành tài chính suốt nhiều thế kỷ vào cuốn sách mà vẫn không làm mất đi tính logic, mạch lạc giữa các chương. Có lẽ là không đủ nếu chỉ dành 1 bài viết cho cuốn sách này vì nội dung nó chứa đựng phong phú hơn rất nhiều. Tôi sẽ viết thêm một vài bài nữa về những phần tâm đắc nhất tôi thu nhận được từ cuốn sách.