Sunday, 4 December 2016

Trại súc vật

Tôi thích đọc sách và đọc tương đối đa dạng các thể loại, nhưng lại chưa bao giờ viết tóm tắt hay review về một quyển sách nào. Viết review sách là một cách để bản thân ghi nhớ được những ý tưởng chính trong cuốn sách và cũng để rèn ngòi bút. Đây sẽ là bài đầu tiên trong series các bài review về những cuốn sách tôi cho là hay.
Cuốn "Trại súc vật" - tên tiếng anh là Animal Farm - được viết bởi nhà văn người Anh Geogre Orwell vào năm 1945. Ông Geogre Orwell này rất là nổi tiếng và có nhiều tác phẩm văn học để đời. Tôi không biết có cơ quan, tổ chức nào đứng ra xếp hạng các cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 hay không, nhưng nếu bạn thử tìm kiếm với từ khóa 100 cuốn sách nên đọc, hoặc 100 cuốn sách hay nhất v.v... thì kiểu gì cũng xuất hiện sách của ông Geogre Orwell.

Ngoài cuốn Trại súc vật tôi còn biết một cuốn nữa cũng do ông ý viết có tên là 1984, nhưng cuốn này tôi đọc không trôi nên chỉ được vài chap đầu. Cuốn Trại súc vật thì khác, nó được viết dưới dạng truyện ngụ ngôn, hài hước, dí dỏm làm tôi cười suốt từ đầu đến cuối cuốn sách. 
Bối cảnh cuốn truyện là một cuộc nổi dậy của những con vật trong nông trại Điền Trang, đánh đuổi tất cả con người ra khỏi nông trại và thiết lập bộ máy quản lý của riêng chúng. Một loạt những tình tiết châm biếm được tác giả đưa vào trong cuốn truyện như 3 con lợn đã phát triển một hệ thống triết học có tên là Súc Sinh Kinh, các con vật gọi nhau là "đồng chí", câu cửa miệng của con ngựa đực có tên là Chiến Sĩ là "đồng chí Napoleon lúc nào cũng đúng", huân chương Súc Vật Hạng Nhất, con lợn có tên Chỉ Điểm năm nào cũng đưa ra các báo cáo với một loạt chỉ số thống kê để chứng minh nền kinh tế của trại đã đạt những bước tiến vượt bậc so với trước khi khởi nghĩa v.v...
Đọc cuốn Trại súc vật bạn sẽ kinh ngạc vì những mô tả vô cùng chính xác của Geogre Orwell về nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa giai đoạn 1945, và tôi thấy nó còn đúng đến cả bây giờ. Cuốn sách này rất tiếc không được xuất bản ở Việt Nam (cũng đúng thôi vì nó đi ngược với ý thức hệ), nhưng cá nhân tôi cảm thấy đây thực sự là một cuốn sách rất nên đọc. Đọc không phải để châm biếm hay mang chế độ ra làm trò cười mà đọc để thấy những chỗ khiếm khuyết, để thấy những bài học, để không đi vào vết xe đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà cách đây vài chục năm thôi ông bà, cha mẹ chúng ta tin tưởng đó là đường đến tương lai.

No comments:

Post a Comment