Friday, 19 May 2017

Đọc sách

Đợt này tôi bắt đầu xài lại goodread.com; tôi có tài khoản ở trang này từ lâu rồi nhưng không sử dụng. Đây là 1 trang web để những người yêu thích đọc sách trao đổi, chia sẻ thông tin, đánh giá các cuốn sách. Ta có thể quản lý các cuốn sách mình đã đọc, xem sách mà bạn minh đang đọc và cũng đặt ra các kế hoạch đọc sách. Tôi đã đặt ra thử thách là đọc 20 cuốn sách trong 2017 và hiện tại đã đọc được 3 cuốn. Mục tiêu 20 cuốn chắc không đến nỗi khó nhưng trước mắt cứ vậy đã. Trước tôi cũng thỉnh thoảng đọc sách nhưng chưa tập để thành một thói quen liên tục, giờ tôi sẽ luyện cho mình thói quen đọc sách thường xuyên hơn.

Giờ tôi sẽ review lại 3 cuốn sách vừa đọc. Tôi làm gộp trong 1 bài viết thôi vì nếu chia ra thành 3 bài thì lâu quá mà tôi lại lười viết. 

Cuốn đầu tiên có tên là "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của tác giả Rosie Nguyễn. Tác giả cũng chỉ tầm tuổi tôi hoặc hơn 1 - 2 tuổi là cùng. Tuy vậy tôi cảm nhận được sự hiểu biết, cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của chị. Chị cũng từng có một tuổi trẻ không biết mình muốn gì, làm gì, và đi về đâu. Chị đã trải qua nhiều lựa chọn, đi nhiều, trải nghiệm nhiều để cuối cùng chọn được cho mình một cách sống phù hợp. Đọc sách của chị, người trẻ sẽ rất đồng cảm vì những khó khăn bế tắc mà hầu hết người trẻ gặp phải đều được chị mô tả một cách chân thực. Cuốn sách của chị rất truyền cảm hứng, khuyến khích người trẻ đọc sách nhiều hơn, thử thách bản thân nhiều hơn, bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều hơn. Bản thân tôi cũng được thúc đẩy bởi những gì chị viết trong sách nên tôi mới quyết định rèn thói quen đọc sách, tập chạy bộ.

Cuốn thứ hai là của tác giả Hiruka Murakami có tên là "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ". Cuốn này tôi được tặng. Lúc đầu tôi không thích lắm, đọc được vài trang rồi bỏ nhưng sau khi đọc hết quyển "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" thì tôi có động lực để đọc hết nó. Ông tác giả Murakami là người Nhật và rất nổi tiếng với các tác phẩm như "Rừng Nauy" hay "Biên niên ký chim vặn dây cót". Thực sự tôi cũng chưa đọc tác phẩm nào của ông này, và cũng không biết ông ý nổi tiếng thế khi tôi được tặng sách. Sau khi đọc kỹ cuốn sách (cũng hơi lâu phải mất gần 2 tuần mới xong) thì tôi đã hiểu hơn và dần cảm thấy thán phục sự nghiệp của ông ý. Ông này cũng không được học hành bài bản về viết văn, và nghề nghiệp ban đầu của ông ý là mở cửa hàng bán rượu nhưng sau vì thích viết văn nên ông ý dám dừng việc buôn bán để theo đuổi sở thích. Cuốn sách không dạy về chạy bộ hay khuyến khích mọi người chạy bộ mà viết về những gì ông Murakami suy nghĩ hay học được từ việc tập chạy bộ. Ngoài viết văn, ông ý có một thú vui là chạy bộ (cự ly marathon tầm 40km chứ không phải chạy vớ vẩn vài km như tôi). Đọc sách tôi học được nhiều triết lý, bài học cuộc sống từ một người đã sống quá nửa đời người, trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống. Một số ý tôi tâm đắc trong cuốn sách như "nếu bạn kiên trì làm một việc dù đơn giản ngày này qua ngày khác thì sẽ đạt đến mức độ tinh vi, thiền định", "cơ bắp hay trí óc đều thích được nghỉ xả hơi, nếu muốn chúng phát huy hết năng lực thì bạn phải bắt chúng làm việc dưới áp lực, mỗi khi vượt qua được giới hạn thì năng lực của chúng sẽ được gia tăng", "ở giữa chặng đường marathon, cơ bắp rất mệt mỏi và kêu gào đòi nghỉ nhưng ông không dám nghỉ vì ông sợ rằng nếu nghỉ ông sẽ không thể tiếp tục chạy lại được nữa. Khi ta vi phạm nguyên tắc 1 lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ 2" v.v... 

Cuốn thứ ba là "Nhà giả kim" của Paulo Coelho. Thấy bìa sách ghi là cuốn sách bán chạy thứ hai sau kinh thánh. Tôi cũng không chắc lắm về thông tin này nhưng thông tin ông Paulo là tác giả còn sống có nhiều sách được chuyển dịch nhất thì có vẻ đáng tin cậy. Nội dung cuốn sách là cuộc phiêu lưu chàng thanh niên người Tây Ban Nha Santiago đi theo tiếng gọi của trái tim và những giấc mơ. Cốt truyện nhẹ nhàng lôi cuốn và nhuốm màu thần bí như những câu chuyện thần thoại nghìn lẻ một đêm. Dọc suốt cốt truyện, ông tác giả khéo léo lồng vào những bài học cuộc sống, tư tưởng triết lý. Tôi thấy phảng phất bóng dáng văn phong của "Hoàng tử bé" trong truyện "Nhà giả kim". Cuốn sách giống như cuộc đời của Paulo Coelho vậy. Ông mơ ước thành nhà văn từ khi còn nhỏ nhưng do áp lực gia đình nên đã theo học Luật và làm nhiều nghề khác nhau nhưng rồi cuối cùng chỉ có viết văn mới mang lại niềm vui thích thực sự cho ông. Từ bỏ công việc đang có, tài sản mà bạn đang sở hữu để theo đuổi giấc mơ (mà mình chẳng biết có thành sự thực hay không) thật sự là quyết định đầy rủi ro. Không nhiều người có đủ bản lĩnh để lựa chọn, đa số thích chọn cho mình chỗ trú ẩn an toàn hơn. Nhưng khi kết thúc cuộc sống nhìn lại những gì đã trải qua chúng ta sẽ hối tiếc về những việc mình chưa làm hơn là những việc mình đã làm. "Khi ta tha thiết muốn một điều gì đó thì cả vũ trụ sẽ tác động để ta đạt được điều mình mong muốn".

Tuesday, 2 May 2017

Làm đề tài nghiên cứu ở trường tôi

Giải quyết xong hết các việc tồn đọng của năm cũ cũng mất gần 1 tháng. Blog của tôi bị bỏ bê sắp mọc rêu mất rồi. Cái công việc tồn đọng mà tôi nói ở đây là cái đề tài NCKH của giáo viên. Theo quy định thì mỗi năm một giáo viên phải đảm bảo một định mức NCKH nhất định. Cái định mức này được tính theo đơn vị là giờ, ví dụ như tôi hiện tại là phải đạt 80 giờ NCKH/năm, còn sắp tới sẽ thay đổi quy định nâng lên 120 giờ/năm. Cách tính giờ thì như sau: đề tài NCKH ở khoa sẽ được tính là 150 giờ, ở học viện sẽ được tính là 500 giờ (cấp càng cao thì giờ càng nhiều). Như tôi cứ làm 1 đề tài cấp khoa hoặc tham gia 1 đề tài cấp học viện là sẽ đủ định mức. Còn nếu không làm đề tài thì phải viết cỡ khoảng 10 bài báo mới đủ. 

Việc làm đề tài là không bắt buộc nhưng nếu không đạt định mức NCKH sẽ bị phạt nên gần như ai cũng làm. Hơn nữa việc làm 1 đề tài nói chung nhẹ nhàng hơn và dễ hơn việc phải viết 10 bài báo. Cách tính điểm NCKH như vậy cũng không có gì là sai. Tôi chưa tìm hiểu các trường lớn hay các nước tiên tiến họ làm như thế nào nhưng đoán là cũng phải có một cách thức quy đổi tương tự để áp định mức cho mỗi giảng viên. Tôi chỉ không hài lòng về một số khía cạnh trong cách triển khai ở trường tôi:
Thứ nhất, đề tài do giảng viên đề xuất, đăng ký và tổng hợp lên để ban Khoa học phê duyệt. Khi nào được phê duyệt thì lúc đó mới chắc chắn được thực hiện. Còn đề xuất lên mà không phê thì thôi xong. Cái đáng nói là quy trình này diễn ra khá chậm, thường là đến tháng 4 mới có quyết định phê duyệt. Vậy thực tế giảng viên chỉ còn 8 tháng để làm chứ không phải 12 tháng. Năm nay có tiến bộ hơn, mới tháng 2 đã phê duyệt rồi.

Thứ hai, đề tài được phân bổ mang tính chia đều (làm sao để khoa nào cũng có, bộ môn nào cũng có, trẻ có già có). Làm như vậy thì giữ được hòa khí trong trường, nhưng rõ ràng dàn đều thì không thể tối ưu hiệu quả đồng vốn (cái này ai chả biết). Thêm nữa là dàn đều nên số tiền cho mỗi đề tài cũng rất ít. Tính sơ sơ một năm khoảng gần 200 đề tài, mà tổng kinh phí cũng được đâu đó cỡ 3 4 tỷ nên tiền cho mỗi đề tài chỉ khoảng 20 triệu (đề tài cấp trường) và 7 triệu (đề tài cấp khoa).

Điểm cuối cùng, thực ra đây là kết quả của 2 điểm vừa kể ở trên. Do tiền ít, phê duyệt chậm nên mọi người đều mang tâm lý là làm cho xong, cho đủ định mức mà ít đầu tư cho chất lượng nên hàng năm trường làm rất nhiều đề tài mà chả có mấy cái có giá trị.

Mấy điều trên tôi chỉ bàn cho vui chứ không có ý đả kích hay chống phá gì, nếu ai có xem được thì cũng vui lòng đừng gán cho tôi mấy cái tội mà tôi không làm. Để an toàn tôi cũng không publish bài này, chỉ để draft thôi. Xã hội nhiều thằng hay cắn trộm, cẩn thận không lại thiệt thân. 

Năm nay có người bày cho tôi mẹo là thay vì làm 1 đề tài như đăng ký tôi cứ làm 2 hay 3 cái tùy khả năng xong sang các năm sau sẽ lấy ra đăng ký dần dần. Với cách làm việc "làm cho đủ định mức, giữ hòa khí chung" thì khả năng đề tài bị loại cũng khá thấp. Như vậy tôi chỉ cần làm 1 năm mà dùng được cho mấy năm sau. Ý tưởng quá hay, thế mà mình không nghĩ ra sớm. Phải cảm ơn cô bạn mới quen đã gợi ý cho tôi.

Những bộ truyện tranh yêu thích

Bài hôm nay sẽ tổng kết lại những bộ truyện tranh mà tôi thích nhất. Bản thân tôi cũng đọc rất nhiều bộ truyện tranh (Nhật, Hàn, Mỹ, ta đủ cả) nhưng có bộ chỉ đọc 1 lần rồi thôi, có bộ thì đọc đi đọc lại, lâu lâu nhớ lại mở ra đọc. Một bộ truyện hay đối với tôi phải có các tiêu chí sau: 

Thứ nhất, vẽ phải đẹp. Không cần quá hoa hòe hoa sói như mấy truyện chưởng của tàu nhưng cũng không được nhom nhem, nhìn như tranh trẻ con vẽ.

Thứ hai, cốt truyện phải hợp lý, logic, các tình tiết diễn biến theo kịch bản tác giả đã hình dung từ khi bắt đầu câu truyện. Rất nhiều truyện khởi đầu thì hay nhưng sau vài trăm chap, tác giả cạn ý tưởng nên phang bừa ra những thứ chẳng logic tý nào. Điển hình là Naruto khi mà gần cuối truyện lòi ra một đống thằng không biết từ đâu đến, mạnh siêu cấp.

Thứ ba, phải hài hước. Vốn truyện tranh là sản phẩm để giải trí, giảm căng thẳng nên cần nhiều yếu tố gây cười. Bộ truyện nào mà hack não thì tôi cũng không muốn đọc.

Thứ tư, sau cùng bộ truyện phải truyền tải được những bài học giá trị nào đó cho người đọc. Những bài học, triết lý cuộc sống truyền tải qua truyện tranh sẽ được tiếp nhận tự nhiên, dễ dàng hơn là sách đạo đức.

Sau đây là những bộ truyện tranh ưa thích của tôi (sắp xếp lung tung, vì khó xác định bộ nào hay hơn bộ nào):

+) Kattobi Itto

Tôi rất thích đá bóng nên cũng thích đọc truyện về bóng đá. Có không ít bộ truyện về chủ đề này nhưng không để lại cho tôi nhiều ấn tượng lắm ngoại trừ bộ Kattobi Itto (trước đây được NXB Kim Đồng phát hành với tên gọi là Jindo). Ngày học cấp 2, tôi cứ đợi thằng bạn cùng lớp mua truyện này là mượn mang về rồi đọc đi đọc lại trong buổi tối để hôm sau còn trả nó. Sau này vẫn thỉnh thoảng đọc lại trên các trang đọc truyện online. Tôi thích nhất chàng lùn Itto - luôn luôn lạc quan, hết mình với bạn bè và khi vào trận thì không bao giờ sợ hãi dù đối thủ có mạnh đến đâu.

+) Great Teacher Onizuka (GTO)

Bộ truyện về thầy giáo bá đạo Onizuka. Mặc dù bề ngoài như một thằng côn đồ suốt ngày chỉ quậy phá, đánh lộn, đua xe và xem JAV nhưng Onizuka lại chạm đến trái tim của học sinh, cảm hóa được cả những học sinh siêu cá biệt. Có thể nghe hơi buồn cười, nhưng Onizuka chính là hình mẫu giáo viên mà tôi muốn trở thành - một người thầy chân chính không bao giờ bỏ rơi học sinh của mình. Bộ truyện sẽ cho bạn được cười sảng khoái vì độ bựa vô đối của Onizuka và cũng cho bạn những triết lý cuộc sống sâu sắc về tuổi thơ, tình cảm gia đình, bạn bè, thầy trò. Rất thích một số câu nói của thầy Onizuka như:
- "Bằng cấp và học vấn rất quan trọng nhưng có một tuổi thơ đẹp cũng quan trọng không kém"
- "Nếu tôi là giáo viên tôi sẽ không bao giờ gọi học sinh của mình là đồ bỏ đi"

+) Tây du

Truyện Tây du ký thì quá quen thuộc với hầu hết người Việt Nam. Mọi người vẫn xem đi xem lại bộ phim tây du ký sản xuất năm 1996 vào mỗi dịp hè mà không thấy chán. Nhiều bộ truyện tranh cũng dựa vào truyện gốc tây du ký để sáng tác với các nhân vật anh khỉ Ngộ Không, anh trư Bát giới v.v... Tây Du là một bộ truyện như vậy nhưng các nhân vật, và cốt truyện lại khác xa so với nguyên gốc. Trong Tây Du thì Đường Tăng không còn yếu ớt mà rất giỏi võ, bặm trợn, sẵn sàng cân nguyên team yêu quái; các thiên thần trên trời không phải toàn người tốt mà phân thành 2 phe, trong đó 1 phe chuyên làm ác, ăn thịt người; Sa tăng không phải là yêu quái ở sông mà là yêu quái ở Sa mạc v.v... Những sáng tạo đi ngược hoàn toàn nguyên tác lại mang đến thành công không ngờ làm tôi rất thích bộ truyện này vì các tác giả không còn bị đóng khung trong lối mòn suy nghĩ. +) Kingdom (Vương giả thiên hạ)

Bộ truyện này tôi mới đọc gần đây và vẫn đang tiếp tục được sáng tác. Kingdom lấy bối cảnh là thời chiến quốc khi Tần Thủy Hoàng đánh dẹp các nước chư hầu để thống nhất Trung Hoa. Lịch sử giai đoạn này được ghi chép tương đối sơ sài. Các tác giả đã dựa vào những điển tích lịch sử và các thông tin vụn vặt thu thập được từ các bộ sử để sáng tạo ra một cốt truyện vô cùng chi tiết. Ai là fan của dã sử, của các trận chiến chiếm đất công thành thì không thể không yêu thích bộ truyện Kingdom.


+) Rainbow

Câu chuyện bắt đầu với 6 thanh niên cùng một phòng giam trong trại giáo dưỡng Shounan. Họ đã gặp một người anh cùng phòng và 7 người trở nên thân thiết, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong trại giáo dưỡng. Khi được ra ngoài, họ vẫn tiếp tục duy trình tình bạn thân thiết và luôn có mặt mỗi khi ai đó trong nhóm gặp khó khăn. Xuyên suốt bộ truyện, tác giả lột tả những mặt trái của xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2, qua đó tôn vinh tình anh em, bạn bè, tình cảm gia đình. Rất nhiều chi tiết trong truyện xứng đáng được dùng để minh họa cho những bài học đạo đức, triết lý sống. Ví dụ tình huống một thằng con lấy trộm tiền của nhà, vay mượn của bạn bè và bỏ nhà ra đi vì muốn bỏ trốn với một gái điếm nhưng đến khi quay trở về nhà bà mẹ không hề trách mắng một lời mà chỉ mỉm cười nói rằng "mừng con đã về nhà". Đọc truyện tôi thấy phảng phất lời bài hát "Kim sinh duyên". 


Tạm thời dừng ở đây đã, còn một số bộ truyện rất hay nữa tôi sẽ cập nhật sau.